Luật Hình sự môi trường năm 2015 : xử lý hình sự tội phạm môi trường

Thứ 6, 25/11/2016, 08:53 GMT+7

Qua tổng kết Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy các quy định về tội phạm môi trường chứa đựng nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành:

(i) Các quy định về cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng như quy định cấu thành vật chất (đòi hỏi phải có yếu tố hậu quả xảy ra thì mới xử lý trách nhiệm hình sự, trong khi hậu quả của các hành vi vi phạm về môi trường không xảy ra ngay lập tức mà có thể xảy ra sau một thời gian dài);

(ii) Hầu hết các điều luật quy định tội phạm về môi trường chỉ quy định rất chung chung về "gây hậu quả nghiêm trọng”, "gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”.

(iii) BLHS năm 1999 chỉ quy định các chủ thể là các cá nhân mà chưa quy định chủ thể của tội phạm là các pháp nhân, trong khi đó thực tiễn thời gian qua cho thấy các pháp nhân mới là chủ thể gây ra các vụ việc ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Từ những bất cập đó, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, cụ thể:

1. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản góp phần  tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường

 (i) Sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể nhằm đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng

Ví dụ: Nếu như Điều 182a BLHS năm 1999 về tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại quy định “người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” thì Điều 235 BLHS năm 2015 quy định các hành vi vi phạm với các mức định lượng cụ thể đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm.

Tại một số điều luật khác, các dấu hiệu định tội mang tính định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “diện tích lớn” trước đây đều được định lượng hóa.

Đối với các tội phạm quy định cấu thành hình thức (tức là việc xử lý về hình sự sẽ căn cứ vào hành vi phạm tội, mà không cần phải đợi hậu quả của hành vi) thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự được quy định dựa trên cơ sở tham khảo quy định của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào tính hợp lý, khả thi của quy định. Như vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy định các mức xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với quy định của BLHS vừa được ban hành.

Ví dụ: Đối với tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 BLHS năm 2015), hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,5 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày thì bị xử lý  hình sự, trong khi theo quy định của Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức xử phạt cao nhất là từ 950 triệu đến một tỷ đồng trong trường hợp lưu lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày trở lên.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, các trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý với mức phạt tiền rất cao, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.

(ii) Bổ sung 01 tội danh mới “Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông” (Điều 238)

(iii) Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền đảm bảo tính răn đe, trừng trị đối với các hành vi vi phạm, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

 (iv) Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội phạm về môi trường.

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của nước ta, trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân thương mại đã được quy định vào trong BLHS năm 2015. Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều pháp nhân, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng nhưng do BLHS chưa quy định vấn đề này nên việc xử lý trách nhiệm của các pháp nhân này gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả. Trong khi đó, các chế tài hành chính với mức xử phạt tiền cao nhất đến 2 tỷ đồng đối với các pháp nhân không đảm bảo tính răn đe và không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cơ chế kiện dân sự hiện nay cũng gây khó khăn đối với những người bị thiệt hại bởi các hành vi phạm tội của các doanh nghiệp trong việc yêu cầu bồi thường như vấn đề chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội và các thiệt hại xảy ra.

 BLHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với đa số các tội phạm về môi trường, cụ thể là đối với các tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237),…

Việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ căn cứ vào mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi của các cá nhân thuộc pháp nhân. Hình phạt chính được áp dụng chủ yếu đối với pháp nhân phạm tội bao gồm hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Các hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định với thời hạn cấm cụ thể.

2. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, đặc biệt về hành vi gây ô nhiễm môi trường và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm.

Theo ThS. Lê Văn Minh

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc