Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Thống nhất các chính sách lớn

Thứ 4, 04/11/2020, 07:52 GMT+7

Cuối giờ chiều 2/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Những nội dung quan trọng trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”.

Bộ luật rất lớn với 13 chính sách mới

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Luật Bảo vệ môi trường là bộ luật được cử tri, người dân, doanh nghiệp, các đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, địa phương rất quan tâm. Hàng tháng, hàng tuần đều có ý kiến gửi về ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật.

Đặc biệt, các ĐBQH và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến Dự án Luật này. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV rất nhiều ý kiến phát biểu tại nghị trường, tại Tổ; ngay tại Kỳ họp thứ 10, vào ngày 23/10, đã có 20 ý kiến phát biểu tại nghị trường và 34 ý kiến đại biểu gửi về Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng như cơ quan soạn thảo. Sau khi thảo luận tại nghị trường, tại Tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 2 lần, tổ chức hội nghị chuyên trách xin ý kiến ĐBQH.

small_phan-xuan-dung_0211

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu

“Nhiều thời điểm, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dành hẳn 2-3 ngày để nghe ý kiến Đại biểu Quốc hội, tất cả ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 13 chính sách mới và còn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, giữa những cái mới và cái cũ sẽ có những ý kiến khác nhau; trong đó, những cái cũ lại từ nhận thức, phương thức điều hành từ những Luật mới thông qua như Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Đa dạng sinh học…

Trong khi đó, để giải quyết bài toán “không thể hi sinh môi trường để phát triển, nhưng cũng không thể quá cứng nhắc, khó khăn để kìm hãm sự phát triển”. Đây là vấn đề không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ý kiến ĐBQH về các chính sách lớn, các phương án lớn trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về cơ bản đã đi đến thống nhất. “Song chúng ta vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa, tiếp thu sâu sắc hơn nữa ý kiến của các ĐBQH và cử tri để có một đạo luật tốt nhất và đi vào cuộc sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Các yếu tố môi trường cần được quản lý, khai thác chặt chẽ bằng công cụ “hạn ngạch”

dbqh-tran-van-lam-bac-giang-anh-duy-thong-2-

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu

Tham gia thảo luận tại hội thảo, theo ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang), việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo hết sức cầu thị, giải trình cụ thể, nỗ lực lớn để mong muốn môi trường thực sự thay đổi. Vấn đề xả thải nước mặt chúng ta đã có quy định về hạn ngạch mức chịu tải của dòng sông, vậy còn rất nhiều những yếu tố môi trường khác có nên đề cập không? Ví dụ như hạn ngạch khai thác nước ngầm; nước ngầm hiện nay khai thác một cách vô tội vạ, dẫn đến sụt lún…Vấn đề hạn ngạch khai thác nước ngầm đã đề cập chưa, có nên đề cập không và có khả thi hay không? Hay hạn ngạch khí thải, hiện nay các địa phương cấp phép trong dự án hầu như là cứ cấp phép còn khí thải xả ra môi trường xung quanh chịu.

Đại biểu có đề cập đến việc cân nhắc tính toán mức chịu tải môi trường, mức chịu tải để cấp phép xả thải; cấp phép các dự án như thế nào để tổng mức khí thải trong mức chịu đựng. Điều này phải có sự điều phối chung trong phạm vi khu vực và quốc gia.

doan-dai-bieu

Các Đại biểu Quốc hội tham dự Hội thảo chiều tối ngày 2/11

Giấy phép môi trường khiến doanh nghiệp hài lòng hơn

Tham gia góp ý về đánh giá tác động môi trường và về giấy phép môi trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đồng ý phương án 1 trong tờ trình Chính phủ. Đó là có điều chỉnh dự án đầu tư chia thành 4 nhóm. Các dự án phải có đánh giá môi trường và phải có giấy phép môi trường- đây là những dự án cực kỳ quan trọng có liên quan đến môi trường và cũng như có tác động xấu đến môi trường.

Thứ hai, dự án đầu tư chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường mà không cần có giấy phép môi trường, các nội dung này rất thống nhất, cụ thể.

Cái được của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi lần này là Bộ Tài nguyên và Môi trường và ban thẩm tra đã có tiếp thu, tức là không phải tất cả dự án đều phải đánh giá tác động môi trường, mà phải chia rạch ròi, dự án 1,2,3 có những dự án nào cần phải đánh giá tác động của môi trường, dự án nào không cần đánh giá tác động môi trường. Thực tế có nhiều địa phương, có một số chủ đầu tư cấp huyện, cấp xã chỉ cần xây dựng trường học mà suốt ngày đánh giá tác động môi trường. Tôi thống nhất theo dự thảo là tùy theo dự án như trong dự thảo luật đó mà chúng ta đánh giá tác động môi trường và có giấy phép môi trường.” – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với nội dung giấy phép môi trường, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thống nhất rằng chỉ nên đánh giá những dự án có nguy cơ về môi trường, còn những dự án xác định là không có nguy cơ về môi trường thì chúng ta không đánh giá tác động, để làm sao giảm được giấy phép con, thời gian và tiền bạc cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng thống nhất rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải đảm bảo những dự án không phải đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường thì phải đảm bảo rằng đây là dự án sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, nếu sau này ảnh hưởng đến môi trường về ô nhiễm thì sẽ thanh tra, kiểm tra xử lý và rút giấy phép hoạt động của dự án đó.

Mong muốn Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sớm được thông qua

tran-thi-quoc-khanh

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại Hội thảo

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội): Rất nhiều ĐBQH đều mong muốn những vấn đề tốt đẹp cho môi trường địa phương và cuộc sống nói chung. Nếu Luật được thông qua và chấp hành sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc sống, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất kinh doanh.

Có hai vấn đề cách mạng ở đây là vấn đề “mua sắm xanh” và “phân loại rác tại nguồn”. Trong đó, vấn đề “mua sắm xanh” phải được lồng ghép vào nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực về sau.Vấn đề phân loại rác thải từ nguồn đã nói nhiều nhưng chưa thể thực hiện. Lần này, khi Luật thông qua chúng ta sẽ có cơ chế để triển khai phân loại rác từ nguồn, góp phần phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Tôi cho rằng, nếu Luật được thông qua nên có những hướng dẫn thiết thực cho từng khu vực dân cư trong việc triển khai phân loại rác tại nguồn. Chẳng hạn như nên có tính toán ở những khu vực chật chội ở đô thị, hay trong những điều kiện ở nông thôn có thể dùng rác thải làm phân vi sinh…" - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nói.

Có được sự đồng thuận cao

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thông qua diễn đàn của Báo Đại biểu Nhân dân, các ý kiến tâm huyết của Đại biểu Quốc hội đã gửi đến cho cơ quan soạn thảo cùng nhau thống nhất những điều còn vướng mắc trong dự thảo luận, cùng nhau thực hiện những trách nhiệm với đất nước, với cử tri Nhân dân.

small_bo-truong-thh_0211

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Từ lúc Dự thảo luật đầu tiên gửi đến các Đại biểu Quốc hội, với những trí tuệ đóng góp từ các Đại biểu Quốc hội gắn với thực tiễn địa phương đến nay Dự thảo luật đã hình thành với những đột phá mang tính cách mạng vừa phù hợp với những xu thế chung của thế giới, vừa giữ nguyên lời hứa với cử tri, với người dân là “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.

Với những diễn biến thời tiết cực đoan như trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) khi thông qua sẽ không chỉ đảm bảo đồng hành với sự phát triển kinh tế mà còn nhấn mạnh vai trò cân bằng hệ sinh thái tự nhiên thông qua những điều khoản được đặt ra trong luật đồng thời sẽ thay đổi nhiều những mô hình phát triển phù hợp với xu thế mới.

Dù vẫn còn một vài sự khác biệt trong suy nghĩ, tuy nhiên Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe và sẵn sàng hoàn thiện dự thảo để cùng nhau đi đến thống nhất được các mục tiêu chung, nguyên lý chung dựa trên sự đóng góp trí tuệ và trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội.

Nguồn: MONRE

 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc