Nền kinh tế tuyến tính đang tạo nên áp lực lớn cho môi trường khi tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều quốc gia trên thế giới đang thay đổi phát triển để hướng đến giải pháp tối ưu hơn, nền kinh tế xanh và sạch và phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng. Để khắc phục những vấn đề này, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng đến tái sử dụng và giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là chu trình sản xuất, các chất thải được quay trở lại trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực về môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của người dân. Kinh tế tuần hoàn mang lại 4 lợi ích thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công việc tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Việc chuyển đổi sang mô hình này là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn giúp đạt các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tham gia phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà nghiên cứu đánh giá cao Bộ Kế hoạc và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo, trong đó tập trung vào những vấn đề mới của nền kinh tế. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, hướng tới thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Trần Quốc Trung trình bày tham luận. Ảnh: MPI |
Trình bày tham luận khu công nghiệp sinh thái hướng tới kinh tế tuần hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều hoạt động để triển khai khu công nghệp sinh thái và đây cũng là mô hình của kinh tế tuần hoàn.
Khu công nghiệp sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.
Lợi ích của khu công nghiệp sinh thái là giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất độc hại; Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời, cải thiện năng lực cạnh tranh và lợi nhuận; Chia sẻ các tiện ích trong khu công nghiệp, nguyên vật liệu sản xuất; Tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; Cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; Tăng chất lượng sống cho cộng đồng. Thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường.
Ông Trần Quốc Trung chia sẻ mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam và một số nước, và cho biết, thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các khu công nghiệp ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại các địa phương và cả nước. Hiện có 374 khu công nghiệp, khu chế xuất, 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (77,1 nghìn ha); Thu hút 9.313 dự án FDI (155 tỷ USD); 8.155 dự án trong nước (1.037 nghìn tỷ đồng); Chiếm 50,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp NSNN trên 121,4 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 3,7 triệu lao động.
Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái là nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dung công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất trong khu công nghiệp. Đồng thời, hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo được nghe các bài trình bày tham luận về kinh tế tuần hoàn: chuyển đổi để phát triển bền vững; cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa;… Đây là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, cung cấp những thông tin cơ bản về kinh tế tuần hoàn, những vấn đề về lý luận và thực tiễn về mô hình kinh tế này, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, hướng các doanh nghiệp phát triển theo mô hình này thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững.