Không bắt đầu thì không bao giờ có tiến triển, đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW, khi nói về việc mỗi người hãy tự giác trong việc giữ gìn, làm sạch môi trường sống.
Chưa bao giờ vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường lại bức xúc như hiện nay. Bởi trước đây không nhiều sản phẩm để xả ra như bây giờ. Từ vỏ lon, vỏ hộp, bao gói, rác thải nhựa… vô cùng nhiều. Người ta chỉ thấy tiện lợi chứ ăn xong không biết phần còn lại phải thu nhặt, xử lý thế nào. Thậm chí thùng rác ngay đấy cũng không thèm bỏ vào mà vứt ngay ra chỗ ngồi. Đó là vì lười, vì thiếu văn minh, là ý thức kém. |
TS Nguyễn Thị Minh Phương.
Nhặt rác đã thành thói quen
Là chuyên gia trong ngành khí tượng thủy văn, tại sao bà lại quan tâm nhiều đến rác thải như vậy?
Bố mẹ mình đều là bác sĩ nên rất quan tâm đến phòng bệnh và vệ sinh môi trường. Khi mình còn nhỏ đã thấy mỗi lần đi tập thể dục bố mình lại nhặt rác ở vườn hoa trước rồi mới tập. Thế nên nhặt rác với mình đã thành thói quen rồi. Chỉ có điều đến khi nghỉ hưu mới có điều kiện để tham gia các nhóm tình nguyện dọn rác.
Như nhóm Làm sạch Hồ Gươm cùng Ninomiya?
Năm 2012 mình đọc báo thấy nói có bác người Nhật tên là Tohru Ninomiya sáng chủ nhật nào cũng đi nhặt rác quanh Hồ Gươm vì tình yêu Hà Nội mà muốn đóng góp công sức làm sạch đẹp Hà Nội và nâng cao ý thức người dân về giữ gìn môi trường chung sạch sẽ.
Mình nghĩ, họ là người nước ngoài mà còn yêu Hà Nội thế. Mình là trí thức, có kiến thức, có lòng tự trọng thì phải hành động thôi.
Ngoài Hồ Gươm mình còn cùng với mấy người bạn dọn rác ở vườn hoa Jose Marti ở ngay cạnh nhà và vườn hoa 19/8 trước cửa Nhà hát Lớn. Thậm chí đi chơi đâu mình cũng mang theo găng và kẹp để nhặt rác. Nhìn thấy mà không dọn, rất khó chịu.
Nhưng cứ vừa dọn xong người ta lại vứt rác ra, bà có nản không?
Không được nản và không có quyền nản, còn phải làm nữa làm mãi. Ngay ở Bờ Hồ, công nhân vệ sinh ngày nào cũng dọn, còn sáng chủ nhật bọn mình vừa nhặt rác xong, quay lại đã thấy có rác.
Nhưng cứ nghĩ mình dọn được ít nào thì đỡ rác đi chỗ đấy, không dọn còn ngập lên đến đâu. Dân mình nhiều người ý thức còn kém lắm. Như ở vườn hoa cạnh nhà mình đây, mấy năm trước ngập rác, người ta ngồi nghỉ ở ghế đá rồi vứt ra đấy từ chai nước, hộp cơm, vỏ kem, vỏ bim bim… Cả năm 2017 mình dọn suốt mới đỡ.
Bà cứ làm một mình như thế?
Gần đây mình có vận động được một bác ở số 6 Lê Thánh Tông, sáng nào bác cũng ra nhặt rác, còn mình nhặt buổi trưa, và các bác phụ nữ ở 18 Lê Thánh Tông ra dọn dẹp các sáng thứ 5 và thứ 7. Giờ vườn hoa khá sạch sẽ rồi. Nhưng còn vườn hoa 19/8, mỗi tuần chỉ dọn được một lần nên vẫn không xuể. Vấn đề là phải làm sao lan tỏa được để nhiều người tham gia cùng.
Tôi hay đến đọc tại Thư viện Quốc gia. Trong môi trường văn hóa như vậy mà ở xung quanh Phòng đọc dành cho thiếu nhi, rất nhiều rác. Các cháu ăn xong gói bim bim, uống xong chai nước là tiện tay vứt ngay ra đấy. Cả phụ huynh lẫn người phụ trách không ai nhắc. Mình nhắc thì họ tiếp thu ngay. Tức là hiện nay nhiều người còn chưa nhận ra vứt rác bừa bãi là một thói quen rất xấu. |
Phải tự bảo nhau mà làm
Làm thế nào để lan tỏa được, thưa bà?
Mình cứ làm thôi. Người ta nhìn thấy sẽ phải suy nghĩ. Cũng có người bảo là rỗi hơi đấy, nhưng đừng chấp, làm gì tốt cho đất nước thì mình làm. Mình có lập trang lamsachhoguomcungninomyia trên Facebook để chia sẻ các hoạt động của nhóm.
Rất nhiều bạn trẻ tham gia. Rất nhiều gia đình đưa con cái ra Bờ Hồ tham gia. Giờ đã phát triển thành các nhóm dọn dẹp thường xuyên ở hồ Thiền Quang, Văn Miếu, công viên Thủ Lệ, Hồ Tây và ở thị trấn Phùng…Trước đây chúng ta đánh giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm… thì nay lại phải chiến đấu với rác.
Tôi thấy là ai cũng chê môi trường bẩn, ý thức kém, nhưng chỉ cần cúi xuống nhặt rác dưới chân mình thì không phải ai cũng dám làm?
Khi chúng tôi đi vận động mọi người dọn rác, có người bảo đó là việc của ngành vệ sinh môi trường, không phải việc của họ. Nhưng như bạn thấy đấy, công nhân vệ sinh họ dọn không xuể. Phải nhìn thấy cảnh rác tràn ngập quanh Hồ Gươm sau những đêm lễ hội mới thấy kinh khủng, mới thương những người dọn rác.
Hơn nữa, việc này thực ra có nặng nhọc gì đâu, mỗi ngày một tí, một người một tí để làm sạch ngõ phố, vườn hoa nhà mình. Tôi vẫn tự mua thêm găng tay và kẹp để vận động được ai đồng ý nhặt rác là mình biếu để họ tự làm. Sạch sẽ để sống với nhau có phải tốt hơn không. Không bắt đầu thì không bao giờ có tiến triển.
Tại sao mình lại chưa làm được?
Quản lý vận động xã hội là một khoa học, không thể tùy tiện được. Tôi nhớ năm 2004, phường Phan Chu Trinh của tôi là phường đầu tiên tổ chức phân loại rác trong dự án của JICA (Nhật Bản). Tuyên truyền rầm rộ lắm.
Nhưng một thời gian hết dự án lại về không. Cách làm của chúng ta là không đồng bộ, không kiên trì, không kiên quyết, cứ rộ lên theo phong trào. Trong khi rác thải là việc hàng ngày, phải tự bảo nhau mà làm, không nên trông chờ vào nước ngoài.
Hãy giảm bớt khẩu hiệu, mà phải dọn dẹp
Ai cũng biết rác thải là vấn đề bức xúc hiện nay, từ rác thải công nghiệp độc hại, đến rác thải sinh hoạt, rất phức tạp nên nhiều khi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu?
Rác thải công nghiệp thì nhà nước phải có các chế tài rõ ràng. Còn rác thải sinh hoạt thì chúng ta phải bảo nhau không vứt rác bừa bãi, phải cho rác vào thùng rác, khi đi chơi, đi du lịch thì phải nhớ mang theo túi giấy để mang rác của mình về nhà cho vào thùng rác.
Hãy giảm bớt khẩu hiệu, mà phải dọn dẹp, phải làm quanh năm. Hãy bắt đầu ngay lập tức từ chính gia đình mình, từ cơ quan công sở, trường học, từ việc phân loại rác. Loại nào tái chế được như giấy vụn, chai nhựa, lon bia… thì phải lọc riêng ra để mang cho đồng nát. Rác hữu cơ thì có thể để làm phân. Tất cả đều là tài nguyên đấy, phải thu gom để tái chế.
Theo bà làm thế nào để thay đổi thói quen và tạo thành ý thức cho mỗi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường?
Tôi nghĩ về phía các cơ quan chức năng bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục thì phải xử nghiêm những trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường và đặt thêm nhiều thùng rác ở các nơi công cộng để nhân dân có nơi bỏ rác vào. Nếu cứ buông lỏng như hiện nay sẽ chẳng ai sợ và người ta sẽ không có ý thức tôn trọng. Những người có trách nhiệm phải làm gương trong việc bảo vệ môi trường. Còn mỗi chúng ta phải bắt tay vào làm ngay, phải bảo nhau mà làm, còn nhiều việc lắm.
Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
>>Xem thêm: Không bắt đầu thì không bao giờ có tiến triển
Theo Nhật Minh/Khoa học & Đời sống