Khát vọng xanh của Vicem

Thứ 5, 09/12/2021, 08:35 GMT+7

Biến xi măng thành ngành công nghiệp xử lý triệt để các loại rác thải, tận dụng rác làm nguyên liệu thay thế để giảm thiểu sử dụng tài nguyên không tái tạo; nghiên cứu thay đổi công nghệ sản xuất xi măng theo hướng “không phát thải – tuần hoàn tự nhiên”... Thoạt nghe cảm giác như khát vọng xanh mà Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang bền chí theo đuổi có phần mơ mộng, nhưng không phải vậy! Mỗi tấn xi măng giờ đây đều có “rác thải” ở trong đó mà vẫn bảo đảm được chất lượng...

Trong văn phòng chính của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) ở TP. Hồ Chí Minh một ngày cuối năm, Tổng giám đốc Lưu Đình Cường say sưa nói về… rác! Ông khoe năm ngoái Vicem Hà Tiên đầu tư hệ thống đốt rác thải công nghiệp tại nhà máy xi măng Bình Phước và đưa vào vận hành từ tháng 2.2020, thay thế được 25% than. Tính ra, năm 2020 Vicem Hà Tiên đã giảm chi phí, nói cách khác là tăng lợi nhuận 30 tỷ đồng nhờ việc đốt rác thải công nghiệp thay thế cho than. 

 

Đây chỉ là một trong những bước đi của Hà Tiên 1 nhằm hiện thực hóa khát vọng sản xuất không phát thải - tuần hoàn tự nhiên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam mà Chủ tịch Hội đồng thành viên Bùi Hồng Minh là người khởi xướng và quyết tâm thúc đẩy. Từ năm 2013, Vicem Hà Tiên đã dùng củi trấu để sấy nguyên liệu ở trạm nghiền Phú Hữu (TP. Hồ Chí Minh) thay cho dầu HFO. Vải vụn, đế giày từ các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh cũng được Vicem Hà Tiên thu gom đưa vào lò nung tại Bình Phước nhằm thay thế một phần năng lượng than. Năm 2015, Vicem Hà Tiên nghiên cứu và đưa vỏ hạt điều vào thay thế một phần nhiên liệu than trong nung luyện clinker tại nhà máy Bình Phước, thủ phủ của hạt điều. Việc này góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường ở Bình Phước và cả vùng Đông Nam Bộ, bởi vỏ điều nếu không tận dụng được, bỏ ra môi trường ảnh hưởng xấu đến đất và nước. 

Bên cạnh đó, Vicem Hà Tiên sử dụng tối đa tro, xỉ lò cao trong sản xuất xi măng, góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng tro của các nhà máy nhiệt điện và xỉ đáy của các nhà máy sản xuất gang thép. Đặc biệt, trong năm 2020, Vicem Hà Tiên đã đưa 1.000 tấn bùn thải từ Nhà máy nước Thủ Đức về Nhà máy xi măng Kiên Lương để thử nghiệm thay thế đất sét tự nhiên, vốn là nguồn nguyên liệu không tái tạo. “Bước đầu chúng tôi đánh giá bùn thải này có thể dùng thay đất sét. Tới đây chúng tôi sẽ làm việc với các nhà máy nước để triển khai các bước tiếp theo. Việc này thành công sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác đất sét và xử lý triệt để số lượng bùn thải sau sản xuất nước, nạo vét kênh rạch của các tỉnh và thành phố”, ông Cường cho biết. 

Một thành viên khác của Vicem là xi măng Hoàng Thạch (đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương) cũng đang sử dụng 3 - 5% tỷ lệ tro, xỉ và 1% thạch cao nhân tạo và tiếp tục nghiên cứu để tăng tỷ lệ sử dụng các vật liệu này. Việc đốt rác thải thay thế than trong sản xuất clinker tại Vicem Hoàng Thạch cũng cho kết quả khả quan. Cụ thể, nhiên liệu thay thế bình quân là 25kCal/kg, tương ứng 2,97% tổng nhiệt tiêu hao toàn nhà máy. Đặc biệt, Vicem Hoàng Thạch đã sản xuất hàng trăm nghìn tấn clinker có hàm lượng carbon thấp (low carbon) nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi.

Hướng tới sản xuất xanh không phải là chuyện riêng của những doanh nghiệp đầu đàn trong Vicem như Hà Tiên 1, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn… Ngay cả ở Vicem Hạ Long, một doanh nghiệp ngấp nghé bờ vực phá sản với gánh nợ hàng nghìn tỷ đồng nay đã hồi sinh kỳ diệu chỉ sau 3 năm về với Vicem, "Ban lãnh đạo không eo hẹp các khoản đầu tư nhằm chuyển đổi sang sản xuất xanh, thân thiện với môi trường”, Tổng giám đốc Hoàng Anh Đức nhấn mạnh. 

Từ năm 2018 đến nay, Vicem Hạ Long hằng năm xử lý gần 150.000 tấn tro bay, xỉ đáy của các nhà máy nhiệt điện, xỉ lò cao luyện thép, đặc biệt từ tháng 9.2020 đến nay, triển khai thực hiện định hướng của Tổng công ty, Vicem Hạ Long đã đốt được 1.500 tấn rác thải công nghiệp như nhựa, nilon băm cắt, phế phẩm của các nhà máy dệt may và xử lý gần 4000 tấn bùn thải từ các khu công nghiệp tại địa phương. Công nghiệp sản xuất xi măng rất phù hợp để xử lý căn cơ các loại rác này và không phát sinh các chất độc hại thứ cấp, ông Đức cho biết. Mặt khác, “nhờ” rác thải, bùn thải, Vicem Hạ Long giảm được tiêu hao than và có nguyên liệu thay thế để sản xuất xi măng, ví dụ bùn thải hiện đã thay thế được 7% đất sét tự nhiên. Việc thay thế các nguyên liệu truyền thống bằng bùn thải, rác thải công nghiệp… không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hạ được giá thành sản phẩm trong khi chất lượng giữ nguyên mà còn ý nghĩa hơn ở chỗ giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Bùi Hồng Minh, những thành quả đầy khích lệ của các doanh nghiệp thành viên mới chỉ là “nửa bước đi nhỏ trong một hành trình dài”. Vicem - nhà sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á, thương hiệu xi măng lớn nhất Việt Nam (chiếm gần 40% thị phần trong nước) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành xây dựng. “Tuy nhiên, trong sự bùng nổ về khoa học công nghệ, trong thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt và trong bối cảnh tài nguyên (than, đá vôi) dần cạn kiệt, nếu doanh nghiệp không đổi mới sáng tạo nhằm kiến thiết những giá trị vượt trội thì không thể duy trì được vị thế, thương hiệu, thậm chí có thể phá sản. Hơn thế, với tư cách doanh nghiệp nhà nước, ngoài mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, Vicem còn phải thể hiện trách nhiệm tăng trưởng xanh để gìn giữ, bảo vệ môi trường. Chúng ta phải tự dọn dẹp rác thải của mình và trả về cho tự nhiên những gì đã lấy!” 

Chính tư duy và tầm nhìn xa dài ấy đã thôi thúc lãnh đạo Vicem bắt tay với Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch), nhà cung cấp công nghệ bền vững hàng đầu thế giới, cùng nghiên cứu, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới: không phát thải - tuần hoàn tự nhiên. Thành quả của sự hợp tác có thể dẫn đến ra đời thế hệ công nghệ sản xuất xi măng giảm được tới 70% lượng khí thải, thiết lập mục tiêu ngành xi măng cắt giảm phát thải về 0 đến năm 2030.

“Mục tiêu này dường như hơi mơ mộng?”. Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Bùi Hồng Minh bật cười sảng khoái trước nhận xét ấy và không bình luận. “Con người phải có khát vọng! Hơn nữa, nhiệt độ lên tới 1.400 độ C trong các lò nung đốt clinker trao cho ngành xi măng sứ mệnh tái chế, giải quyết các loại rác thải một cách triệt để nhất, căn cơ nhất!”, ông chỉ nói thêm như vậy! 

Câu trả lời sáng rõ hơn cho khát vọng xanh của Vicem nằm ở mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải mà các thành viên đã, đang thử nghiệm và áp dụng trong vài ba năm gần đây dưới sự dẫn dắt, thôi thúc, truyền lửa của ông! Hàng trăm nghìn tấn rác thải công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, bùn thải, tro xỉ… đã được xử lý triệt để trong các lò nung đốt clinker thay vì bị thải ra môi trường gây ô nhiễm. Hàm lượng tài nguyên, các nguyên liệu thô trong mỗi tấn xi măng ngày một ít đi trong khi hàm lượng “rác thải” lại tăng lên. Nhiều nhà máy đã đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ carbon thấp trong sản xuất để giảm phát thải... 

Cũng chính mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp Hà Tiên 1, Hoàng Thạch, Hạ Long, Bỉm Sơn và cả Vicem tạo ra được “giá trị vượt trội” bất chấp cú sốc mang tên Covid – 19 hay giá than, giá điện, giá nhân công tăng. Giai đoạn 2015 – 2020, Vicem đã sản xuất và tiêu thụ 143 triệu tấn sản phẩm (bằng 115% mục tiêu); tổng doanh thu 182 nghìn tỷ đồng (bằng 107% mục tiêu); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với 5 năm 2011 – 2015. Trong 5 năm qua, Vicem nộp ngân sách gần 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,97 lần giai đoạn trước. Vào đầu năm 2020, vốn chủ sở hữu của Vicem xấp xỉ 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2015. Thu nhập bình quân của người lao động trên 13,2 triệu đồng/người/tháng… “Nhà nước cần những doanh nghiệp như Vicem”! Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy trong phát biểu tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 5 năm tiếp theo của Bộ Xây dựng chiều 26.12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ Thi đua Chính phủ cho Vicem tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam (tháng 1.2020) Ảnh: VPG

Vicem mới chỉ đi được những bước nhỏ trong hành trình hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững, có tiềm lực kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có quy mô và khả năng cạnh tranh quốc tế”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem luôn nói như vậy! Hơn hai chục năm gắn bó với ngành xi măng, như lời ông là “cuộc sống của mình ở đây”, ông còn nhiều trăn trở bởi quá thấu hiểu ngành nghề của mình và khát khao thay đổi không chỉ cái nhìn của xã hội về sản xuất xi măng mà còn thay đổi cả công nghệ sản xuất để xanh hơn, bền vững hơn.  

Hành trình quả thực còn dài nhưng những kết quả ban đầu cho thấy Vicem đang đi đúng hướng. Khát vọng xanh được hiện thực hóa sẽ giúp Vicem vươn xa, góp sức vào sự phát triển giàu mạnh, văn minh của đất nước thời hội nhập..

“Có suy nghĩ cho rằng quản lý doanh nghiệp nhà nước dễ dàng hơn doanh nghiệp tư nhân hơn bởi doanh nghiệp nhà nước có sẵn nguồn tư liệu sản xuất, nguồn nhân lực. Như vậy là chưa hiểu hết những khó khăn mà doanh nghiệp nhà nước gặp phải. Với sự bùng nổ về khoa học công nghệ hiện nay, tài sản sẵn có sẽ là “hòn đá tảng kéo chân” sự phát triển của một doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhà nước không có tư duy đổi mới, sáng tạo để cải tiến và thích ứng, tức là không tạo ra được những giá trị vượt trội trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì sẽ không duy trì được vị thế, thương hiệu của mình, thậm chí là chết!”. Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Bùi Hồng Minh

Nguồn: https://www.daibieunhandan.vn/khat-vong-xanh-cua-vicem-zc0vdws8ax-52086 

Ý kiến bạn đọc