Bộ TN&MT tổ chức hội nghị giao ban với các tỉnh thành cả nước là một kênh để kết nối điều hành, quản lý về TN&MT (ảnh: Khương Trung)
Liên hệ chặt chẽ với địa phương, hướng về cơ sở là một chủ trương nhất quán của Bộ TN&MT từ ngày đầu thành lập, nhằm giải quyết các vấn đề TN&MT một cách cặn kẽ và có tính thực tiễn cao.
* Chia sẻ và cầu thị
Đó là tinh thần của hai hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Bộ TN&MT với các địa phương diễn ra trong tháng 8 vừa qua. Ở hai hội nghị này, ta thấy mong muốn được lắng nghe tình hình thực tế quản lý TN&MT tại các địa phương của lãnh đạo Bộ TN&MT. Lắng nghe để hiểu sự vận động thị trường, tâm tư của cán bộ ngành, của người dân, các vướng mắc về chính sách… Đó là những thông tin quý cho việc điều hành quản lý của Bộ và hoàn thiện thể chế nói chung. Hội nghị còn thể hiện tinh thần nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật từ các địa phương.
Cả hai phía, cơ quan quản lý Nhà nước về TN&MT và cơ quan thực thi chính sách tại địa phương, đều cầu thị để làm sao nâng hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, vai trò của ngành TN&MT được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm. Ở địa phương các Sở TN&MT đã khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị. Các chỉ số đánh giá trong hơn 2 năm qua cho thấy chúng ta cùng nhau tạo bước chuyển quan trọng; từ bị động giải quyết các tồn tại sang chủ động triển khai các giải pháp có tính hệ thống chuẩn bị động lực cho phát triển trước mắt và giai đoạn mới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ với Tỉnh ủy, thành ủy, UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ đã tiếp thu lắng nghe phản hồi của các địa phương để hoàn thiện chính sách, pháp luật và chỉ đạo điều hành, với cách làm mới ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định để giải quyết các vướng mắc; các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ.
Cả hai hội nghị giao bàn đều dành phần lớn thời gian để lãnh đạo Bộ TN&MT, các địa phương và các đơn vị chuyên môn trao đổi, thảo luận về các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thảo luận đề xuất, hiến kế hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn tiếp theo.
Tại đây, nhiều giải pháp, sáng kiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả được chia sẻ và là cơ hội để các địa phương hỏi hỏi tham khảo nhân rộng, đồng thời Bộ đúc kết trong quá trình hoàn thiện chính sách.
* Coi Sở TN&MT như một đơn vị trực thuộc Bộ
Đó là một nguyên tắc trong Quyết định số 2499/QĐ-BTNMT quy định về phối hợp công tác giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TN&MT mà Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành cũng trong tháng 8 vừa qua.
Theo đó, nội dung phối hợp bao gồm: Xây dựng và phổ biến chính sách, pháp luật; Thanh tra, kiểm tra; Giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật; Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; Giải quyết, ứng phó sự cố và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh; Công tác tổ chức cán bộ; Cải cách hành chính; Thi đua, khen thưởng và tuyên truyền; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Hợp tác quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT; Mối quan hệ giữa các đơn vị thuộc Bộ đóng tại địa phương và các Sở TN&MT.
Liên hệ chặt chẽ với địa phương, hướng về cơ sở là một chủ trương nhất quán của Bộ TN&MT từ ngày đầu thành lập. Bộ TN&MT đã phát triển nhiều kênh để tăng kết nối giữa Bộ và các địa phương. Ngoài các Hội nghị giao ban, còn có hệ thống kết nối qua hệ thống văn bản, kết nối trực tuyến, trao đổi trực tiếp qua điện thoại. Sự phát triển của ngành TN&MT cần sự chung tay góp sức từ các địa phương.
>>Xem thêm: Hướng về địa phương, quản lý tài nguyên từ cơ sở
Theo Bảo Châu/Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT