Ngày 26/10/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2022
Phụ phẩm nông nghiệp được xem là Nguồn tài nguyên đang bị lãng phí. Mỗi năm, Việt Nam thải ra 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản,... với giá trị mang lại ước tính 4-5 tỷ USD/năm
Một số nội dung được qui định tại Thông tư:
1. Thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ
a) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ phải thu gom để xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường;
b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại phải thu gom, vận chuyển đến vị trí tập trung trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại và xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được thực hiện hàng ngày đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, thu gom theo đợt đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm và cơ sở chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học;
c) Vị trí tập trung chất thải rắn trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại để xử lý phải xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, khu vực kho thức ăn chăn nuôi.
2. Nước thải chăn nuôi phải thu gom bằng hệ thống riêng để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
1. Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ
a) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: ủ compost, công nghệ khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học hoặc các giải pháp khác để sử dụng cho cây trồng;
b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành;
c) Việc vận chuyển chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa được xử lý ra khỏi cơ sở chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Xử lý nước thải chăn nuôi
a) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các biện pháp khác được sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh;
b) Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi trang trại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, được sử dụng tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác trong khuôn viên trang trại. Việc sử dụng nước thải chăn nuôi phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh.
3. Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi.
Thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác
Việc thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác thực hiện theo Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng, cụ thể như sau:
1. Phụ phẩm cây trồng được thu gom, phân loại theo mục đích sử dụng; không để lẫn với hóa chất, bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tạp chất vô cơ khác trong quá trình thu gom, vận chuyển.
2. Việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông; không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.
3. Khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong thu hoạch, thu gom phụ phẩm cây trồng; khuyến khích sử dụng kỹ thuật, công nghệ ép, nén phụ phẩm trước khi vận chuyển.
4. Tàn dư, phụ phẩm cây trồng trong vùng dịch hại thực vật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Xử lý phụ phẩm cây trồng
a) Cày vùi hoặc phay;
b) Ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống;
c) Vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng; che phủ đất;
d) Ủ làm phân bón hữu cơ truyền thống;
đ) Phơi khô;
e) Các giải pháp, biện pháp xử lý khác.
2. Khuyến khích việc sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm cây trồng.
3. Việc xử lý phụ phẩm cây trồng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.
Sử dụng phụ phẩm cây trồng
1. Khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác.
2. Phụ phẩm cây trồng được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón, sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của pháp luật có liên quan.
Nguồn: Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT