HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH CẤP CƠ SỞ

Thứ 6, 21/04/2023, 09:30 GMT+7

Ngày 07/01/2022, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã được ban hành về việc Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (sau đây sẽ được viết tắt là KNK) và bảo vệ tầng ô – dôn với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong hai giai đoạn: từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030.

Trong đó, tại Điều 11 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP thể hiện nội dung về việc yêu cầu thực hiện kiểm kê KNK. Các đối tượng phải thực hiện kiểm kê KNK được quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Môi Trường Á Châu xin chia sẻ Hướng dẫn việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính dành cho cấp cơ sở

Các bước kiểm kê KNK cơ sở thông thường

Đối với các cơ sở thông thường, việc thực hiện kiểm kê KNK gồm các bước như sau:

Các bước thực hiện kiểm kê KNK

Ảnh: Các bước thực hiện kiểm kê KNK

Thu thập dữ liệu

Sau khi đã xác định được phạm vi và lựa chọn phương pháp tính, chúng ta tiến hành thu thập số liệu hoạt động kiểm kê KNK với các thông tin tương ứng với lĩnh vực hoạt động

Đối với hoạt động vận tải: lượng tiêu thụ nhiên liệu được mua (xăng, dầu diesel, LPG, GNV, dầu diesel sinh học, ethanol sinh học tinh khiết,…); lượng tiêu thụ điện; lượng tiêu thụ nhiên liệu dành cho phương tiện vận chuyển (xe chạy xăng, xe chạy dầu diesel,…);

Đối với hoạt động Phân loại – Vận chuyển – Tái chế: ước tính từ lượng nhiên liệu đã sử dụng (dầu khí, dầu diesel, dầu nhiên liệu nặng, khí tự nhiên,…);

Đối với hoạt động phát thải từ phân hủy yếm khí: số lượng được xử lý; năng suất khí sinh học; tỷ lệ hao hụt từ các loại chất thải VFG ( rau, trái cây và chất thải vườn ) qua quá trình xử lý liên tục hoặc xử lý hàng loạt;

Nguồn và hệ số phát thải

Các nguồn phát thải được đưa vào kiểm kê KNK cấp cơ sở được chia ra làm 02 nguồn: trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, nguồn phát thải trực tiếp được quy định là phạm vi 1; nguồn phát thải gián tiếp được quy định là phạm vi 2

Các nguồn phát thải trực tiếp là: 

Phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu cho lò hơi;

Phát thải từ quá trình xử lý nước thải

Phát thải phát tán từ thiết bị lạnh và điều hòa không khí

Các nguồn phát sinh gián tiếp là:

Phát thải từ tiêu thụ điện cho thiết bị chiếu sáng, máy nén, thiết bị lạnh và các loại máy khác…

Phát thải từ nhiệt, hơi được mua

Hệ số phát thải kiểm kê KNK cấp cơ sở

Ảnh: Hệ số phát thải kiểm kê KNK cấp cơ sở

Phương pháp tính toán giảm phát thải

Với mục tiêu giảm phát thải KNK, tại Phụ lục I ban hành kèm Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã nêu rõ mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK các lĩnh vực đến năm 2030 dựa theo đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020.

Một số biện pháp giảm phát thải đối với các đơn vị cơ sở

Sử dụng năng lượng tái tạo (Năng lượng mặt trời áp mái hoặc năng lượng gió): đối với biện pháp này, chúng ta có thể tham khảo phương pháp AMS-I.F – Phát điện từ năng lượng tái tạo cho tự dùng và lưới điện quy mô nhỏ, phiên bản 05.0. Lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, điện gió cho tự dùng tại cơ sở sản xuất công nghiệp

Hiệu quả năng lượng (EE): Các biện pháp EE có thể bao gồm các biện pháp tiết kiệm điện, ví dụ như nâng cấp hệ thống chiếu sáng, tối ưu hóa máy nén khí, cải thiện hệ thống làm mát, lắp biến tần hoặc các biện pháp tiết kiệm điện khác. Với biện pháp EE, chúng ta có thể tham khảo phương pháp AMS-II.D – Các biện pháp tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu cho các cơ sở công nghiệp, phiên bản 13.0

Thu hồi và sử dụng khí CH4 từ xử lý nước thải công nghiệp: Khí mê-tan từ sự phân hủy chất hữu cơ trong nước thải hoặc bùn thải thay vì thải vào khí quyển sẽ được thu hồi và sử dụng cho mục đích tạo ra năng lượng. Có 02 phương pháp có thể tham khảo, đó là:

Phương pháp AMS-III.H: Thu hồi mê-tan từ xử lý nước thải, phiên bản 19.0

Phương pháp AMS-I.C: Sản xuất nhiệt năng kèm hoặc không kèm điện năng, phiên bản 22.0

Các cơ sở phát sinh KNK phải tổ chức thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải KNK và gửi kết quả kiểm kê KNK định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.

Trên đây là hướng dẫn sơ bộ về việc thực hiện kiểm kê KNK dành cho cấp cơ sở. 

Nguồn: Môi Trường Á Châu
 

Ý kiến bạn đọc