Là trung tâm kinh tế – văn hóa của khu vực miền Trung, Thành phố Huế đang từng bước phát triển theo hướng xanh và bền vững. Để đồng hành cùng mục tiêu đó, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, không ít đơn vị vẫn còn lúng túng trong quy trình thực hiện. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp tại Thành phố Huế cách lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một Huế xanh, sạch và văn minh hơn mỗi ngày.
Báo cáo công tác bảo vệ môi trường (BCTT BVMT) là một báo cáo định kỳ hằng năm mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện để báo cáo đến cơ quan quản lý về tổng thể công tác bảo vệ môi trường của mình.
BCTT BVMT phản ánh toàn diện hoạt động giám sát, kiểm soát và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên trong phạm vi hoạt động của tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường và là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển bền vững
Mục đích của báo cáo công tác bảo vệ môi trường là nhằm tổng hợp, phản ánh đầy đủ tình hình thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của đơn vị trong kỳ báo cáo. Báo cáo giúp theo dõi, giám sát các nguồn gây ô nhiễm, đánh giá hiệu quả vận hành của các công trình xử lý môi trường và mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp. Việc lập báo cáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của tổ chức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Theo Khoản 1 Điều 66 ở Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định những doanh nghiệp, cơ sở sau phải thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường:
- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 07/2025/TT-BTNMT, việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:
Doanh nghiệp có thể lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường dưới một trong 02 hình thức sau:
- Báo cáo bằng văn bản giấy: Doanh nghiệp chuẩn bị báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị. Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.
- Báo cáo bằng văn bản điện tử: Thực hiện theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được số hóa từ văn bản giấy, có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền và đóng dấu điện tử của đơn vị.
- Đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.A Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
- Đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.B Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
- Đối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Theo khoản 3 Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung của báo cáo công tác bảo vệ môi trường phải đảm bảo những nội dung chính sau đây:
- Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải;
- Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
- Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục;
- Công tác quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại;
- Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);
- Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (nếu có);
- Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác.
Tần suất thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường 2020 là 01 lần/năm.
Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Quyết định số 3323/QĐ-BTNMT về việc đính chính lỗi kỹ thật tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, thời gian nộp báo cáo công tác bảo vệ môi trường là trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo.
Gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan được quy định tại khoản 5 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT như sau:
- Cơ quan cấp giấy phép môi trường;
- Cơ quan tiếp nhận đăng ký môi trường;
- Sở Tài nguyên và Môi trường (nơi dự án đầu tư, cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ);
- Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp (đối với các cơ sở nằm trong khu kinh tế, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp).
Theo quy định tại Điều 43, Nghị định 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tại khoản 2 Điều 6 của nghị định này, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, các hành vi vi phạm sẽ có mức phạt cụ thể như sau:
- Đối với hành vi không lập báo cáo, báo cáo không đúng, không đầy đủ hoặc không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Đối với hành vi cản trở trái phép việc quan trắc, thu thập, trao đổi, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về môi trường: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Đối với hành vi không thu thập, lưu giữ và quản lý thông tin môi trường theo quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
- Đối với hành vi xâm nhập trái phép vào hệ thống lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường theo quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;
- Đối với hành vi chỉnh sửa làm sai khác thông tin dữ liệu, tẩy xóa dữ liệu, thông tin về môi trường, kết quả quan trắc môi trường: Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng.
Nguồn: Môi trường Á Châu tổng hợp