Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện phí BVMT đối với nước thải, khai thác khoáng sản và phổ biến nghị định 45/2022/NĐ-CP”

Thứ 7, 10/09/2022, 03:25 GMT+7

Ngày 06/9/2022, tại thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện phí BVMT đối với nước thải, khai thác khoáng sản và phổ biến nghị định 45/2022/NĐ-CP".

Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì và được chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất, các đại biểu  nghe trình bày về đánh giá tổng quan tình hình thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khai thác khoáng sản và đề xuất sửa đổi; Phiên thứ hai, các đại biểu nghe phổ biến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện luật

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc và một số tập đoàn, tổng công ty.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã nhấn mạnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT) có nhiều quan điểm mới, tiến bộ, tiệm cần gần với trình độ các nước phát triển. Trong đó, Luật BVMT tiếp tục khẳng định quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác BVMT; tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Cụ thể hóa quan điểm này, Luật BVMT đã đưa ra nhiều chế định nhằm giảm dần việc sử dụng các công cụ có tính chất mệnh lệnh hành chính, thay vào đó bằng việc sử dụng nhiều hơn và sát thực hơn công cụ kinh tế để quản lý môi trường, chuyển dần sang vận dụng những nguyên tắc cơ bản của thị trường trong quản lý môi trường, trong đó có hai nguyên tắc cơ bản là: người gây ô nhiễm phải trả tiền; người hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền. Việc sử dụng các công cụ kinh tế phải đảm bảo mục tiêu cao nhất là tham gia quản lý hiệu quả công tác BVMT, điều tiết các hành vi theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh thuế, phí BVMT, nhiều công cụ kinh tế mới đã được quy định như tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chi trả dịch vụ hệ sinh thái; hình thành thị trường các bon v.v.

Hội thảo đánh giá tình hình triển khai luật

Các đại biểu tham gia thảo luận

Các đại biểu đã tích cực thảo luận, trao đổi những vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện phí BVMT đối nước thải (được quy định bởi Nghị định 53/2020/NĐ-CP) và phí BVMT trong khai thác khoáng sản (được quy định bởi Nghị định 164/2016/NĐ-CP). Theo đó, việc rà soát, sửa đổi quy định phí BVMT đối với nước thải, khai thác khoáng theo quy định của Luật BVMT 2020 là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các chủ nguồn thải, thể hiện nguyên tắc “người gây nhiều ô nhiễm thì trả nhiều phí".

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề nghị hướng dẫn rõ một số nội dung được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Bế mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng các ý kiến trao đổi trong Hội thảo sẽ là những đóng góp quý báu giúp Tổng cục Môi trường tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phù hợp với Luật BVMT. Cùng với đó, liên quan đến Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, người dân là đối tượng áp dụng của Nghị định, đồng thời cần triển khai ngay các hoạt động cần thiết để đưa Nghị định đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nguồn: Tổng Cục Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc