Những năm qua, các mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai đồng bộ đến từng gia đình, thôn, xóm trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định. Không chỉ giảm bớt lượng rác thải, hoạt động này còn góp phần thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh
Việc phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện ở 182/204 xã, thị trấn của toàn tỉnh Nam Định, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nhất là khu vực nông thôn.
Khoảng vài năm nay, trong góc sân vườn của gia đình ông Vũ Hùng Vương ở xóm 6, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng xuất hiện một hố rác hữu cơ (rác dễ phân hủy, như thực phẩm, thức ăn thừa, vỏ trái cây) với nắp đậy kim loại chắc chắn, ngoài cổng nhà là một thùng sơn cũ được tận dụng làm nơi bỏ chất thải vô cơ (rác khó phân hủy, như kim loại, nhựa, giấy…). Đó là các "dụng cụ" để giúp gia đình ông Vương hình thành và duy trì thói quen mới, tự phân loại rác thải tại nhà.
Là Bí thư chi bộ xóm, sau khi được xã phổ biến, hỗ trợ nắp đậy để làm mô hình phân loại rác thải tại nguồn, ông Vương nêu gương đi đầu thực hiện trong gia đình, "cải tiến" nhận thức, thói quen cho người thân và nhắc nhở, động viên bà con trong xóm làm theo.
Theo ông Vương việc phân loại rác có nhiều cái lợi, vừa có thêm chất nuôi cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vừa lọc ra những thứ tái chế bán được. Mỗi người tự giác, mất công thêm một chút nhưng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, ngăn nắp hơn hẳn.
Xã Nghĩa Thái có khoảng 3.000 hộ dân với 10.000 nhân khẩu. Rác của xã được tập trung, xử lý theo hình thức chôn lấp ở xóm Nhân Hậu, trên diện tích khoảng hơn 1ha. Bãi rác được sử dụng hơn 10 năm nay, đã sắp hết chỗ chứa. Khi đời sống người dân được nâng cao, rác thải sinh hoạt cũng tăng lên, hiện gấp ba lần so với 10 năm trước.
Trước đây bình quân mỗi ngày, xã Nghĩa Thái có khoảng 3,5 tấn rác cần thu gom, xử lý, tuy nhiên sau thời gian triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, lượng rác hiện giảm khoảng 30-40%, bớt đi nguy cơ quá tải cho bãi chôn lấp tập trung.
Thời gian đầu mới triển khai thí điểm mô hình, Nghĩa Thái được huyện hỗ trợ kinh phí mua nắp đậy và chế phẩm sinh học cho 250 hộ dân tại hai xóm. Đến nay, xã đã triển khai phân loại rác tại nguồn cho tất cả các hộ dân ở 10 xóm, với hơn 60% số gia đình có hố rác và nắp đậy. Riêng đoạn đường trục xã dài 4km ở khu thị tứ, xã mua thêm hàng trăm thùng rác hữu cơ, vô cơ để hỗ trợ các hộ dân không có diện tích sân, vườn.
Theo đồng chí Phạm Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Thái, "bí quyết" để xã thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn là huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân.
Bên cạnh việc kiên trì tuyên truyền, vận động "mưa dầm thấm lâu", ngay từ ban đầu, xã đã gắn chặt yêu cầu phân loại rác với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhờ vậy, mô hình được thực hiện thực chất, hiệu quả, hướng tới chủ thể là người dân, ở nhiều nơi còn được đưa vào hương ước, quy ước xóm.
Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở khu vực thị tứ, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho biết: Hoạt động phân loại rác tại nguồn được tỉnh triển khai từ sớm theo Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Hiện có nhiều mô hình linh hoạt, nổi bật, đang được áp dụng hiệu quả như: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); "Hố rác hữu cơ di động" ở xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực)…; hay mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" ở xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng).
Bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh Nam Định có khoảng 860 tấn rác cần thu gom, xử lý. Trong 204 xã, thị trấn, có hơn 100 xã sử dụng lò đốt rác tập trung, còn lại là khu chôn lấp. Ở nhiều nơi, bãi chôn lấp đã hết diện tích, trong khi lò đốt sau nhiều năm cũng xuống cấp, cần chi phí cải tạo, nâng cấp rất lớn.
Trong bối cảnh đó, các mô hình phân loại rác tại nguồn giúp giảm khoảng 40-50% lượng rác thải ra môi trường, giảm áp lực thu gom, xử lý cho các địa phương. Nhờ 100% lượng rác thải được thu gom, trên địa bàn tỉnh hầu như không còn hiện tượng các bãi rác di động, tự phát.
Thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện, liên vùng, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn đến tất cả các xã, thị trấn, coi đây là nội dung quan trọng trong thực hiện tiêu chí về môi trường của quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ngoài việc phát huy vai trò của hội phụ nữ, hội nông dân, ngành tài nguyên và môi trường phối hợp tích cực với ngành giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phân loại, xử lý rác cho học sinh, để các em sớm hình thành thói quen khi sinh hoạt trong gia đình.
Nguồn: nhandan.vn
Xem thêm:
1. Thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và tái chế rác thải tại Việt Nam