Nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn tỉnh Đồng Nai!

Thứ 5, 22/12/2022, 01:56 GMT+7

Vừa qua, Ban chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp” trên địa bàn Huyện Vĩnh Cửu.

phân loại rác tại nguồn

Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo. Ảnh: Phan Anh

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, rác phát sinh trong quá trình sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 1.895 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng phương pháp compost (phương pháp sinh học để ủ rác hữu cơ thành phân bón) khoảng 1.446 tấn/ngày. Trong đó, nguồn rác hữu cơ chiếm tỷ trọng lớn trong rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, chủ yếu cũng là rác thải hữu cơ. Nguồn rác hữu cơ nếu trực tiếp thải ra môi trường hoặc đốt bỏ sẽ gây ô nhiễm trong khi đó nếu được tái sử dụng, trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là giải pháp góp phần vào phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.

Từ năm 2020, Huyện Vĩnh Cửu đã thực hiện mô hình thí điểm xử lý chất thải hữu cơ bằng phương pháp xử lý IMO tại khu dân cư kiểu mẫu của 3 xã Tân Bình, Hiếu Liêm và Vĩnh Tân. Sau đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trên địa bàn huyện với nhiều mô hình hiệu quả. Cụ thể, mô hình phân loại rác tại nguồn kết hợp sử dụng men vi sinh để khử mùi nhà vệ sinh tại các trường học và xử lý rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón hữu cơ chăm sóc hoa, cây cảnh trong các trường học. Mô hình tái chế chất thải (Ngôi nhà tái chế) để tổ chức thu gom chất thải sau khi phân loại đối với sản phẩm nhựa dùng một lần.
 
Toàn huyện có 434 hộ dân tham gia phân loại rác tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ, phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng cho 206ha đất cây trồng các loại. Ngoài ra, mô hình này còn được ứng dụng để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, tại các điểm tập kết rác tạm… Đây là chương trình mang lại nhiều lợi ích thiết thực cần được nhân rộng vì giúp xử lý mùi hôi, chất thải trong chăn nuôi, trong sản xuất nông nghiệp; góp phần giảm rác thải sinh hoạt ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường đồng thời giảm chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ Huyện Vĩnh Cửu, mô hình trên đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ về hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng rác hữu cơ làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cung cấp cho mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Trong đó, có vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong phối hợp triển khai thực hiện, nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát để nâng cao nhận thức của người dân từ đó tích cực tham gia.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT Tỉnh Đồng Nai

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc