Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, tài chính, thể chế chính sách cấp thiết thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Chia sẻ về tình hình quản lý chất thải nhựa tại thành phố Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Hiện tại ở Hà Nội, chất thải nhựa vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng, phần lớn bị lẫn với chất thải rắn sinh hoạt để đưa lên xử lý tại bãi chôn lấp. Việc chôn lấp và xử lý chung gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác, hòa tan các hạt vi nhựa và nước rỉ rác và lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, chất thải nhựa tại khu xử lí chủ yếu là túi ni-lông. Do thói quen tiêu dùng của người Việt, chất thải là túi ni-lông chiếm thành phần khá lớn trong thành phần nhựa thải. Các túi ni-lông này nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không bị phân hủy. Các túi ni-lông nếu bị đốt tại các bãi rác hở sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí do phát thải các khí ô nhiễm như HCl, VOC, Dioxin, Furan,…
Hình ảnh minh họa
Ngoài ra, công tác tái chế chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội hoạt động theo hình thức tự phát, tự hình thành các làng nghề, công nghệ lạc hậu, phần lớn chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để quản lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni-lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố; hướng dẫn khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”.
“Hiện, thành phố đang triển khai mô hình điểm phân loại rác tái chế tại trạm trung chuyển. Lực lượng chức năng thành phố cũng tăng cường tuần tra, phát hiện, nhắc nhở và xử phạt. Công ty Môi trường đô thị phối hợp chụp ảnh, ghi hình để cung cấp thông tin cho chính quyền xử phạt. Thành phố cũng đang cải tiến đồng bộ công nghệ xử lý, tái chế rác thải”, ông Thái cho hay.
Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường các giải pháp xử lý, hạn chế rác thải nhựa, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy định về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; Các chính sách ưu đãi về tài chính đối với lĩnh vực thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện và ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, tài chính, thể chế chính sách cấp thiết thực hiện phân loại rác tại nguồn; tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng. Đồng thời, khuyến kích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường nghiên cứu đầu tư các công nghệ hiện đại vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, hạn chế tối đa ô nhiễm thứ cấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm: