Hà Nam: Hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt theo luật bảo vệ môi trường 2020!

Thứ 5, 02/03/2023, 07:03 GMT+7

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt,  với các nội dung cụ thể như sau:

Tác hại của ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra

Thứ nhất: Với thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, ngõ xóm, bờ sông, ao hồ, kênh mương thì nước rỉ rác sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước và các chất độc hại trong nước sẽ tích lũy trong thực phẩm như: rau, tôm, cá... sẽ rất nguy hiểm khi chúng ta ăn phải các loại thực phẩm này. Vậy để phòng tránh những ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe chúng ta phải xóa bỏ thói quen đổ rác bừa bãi, tổ chức thu gom và xử lý rác thải hợp vệ sinh.

Thứ hai: Hiện nay, với những bãi rác lộ thiên, không được xử lý hợp vệ sinh là nơi ẩn chứa những nguy cơ lớn về sức khỏe và môi trường. Những bãi rác lộ thiên này đặc biệt nguy hiểm đối với những người thu nhặt rác và những người dân xung quanh khu vực bãi rác. Khí thải từ các bãi rác này được đưa vào không khí một cách tự nhiên. Những chất độc trong khí thải từ bãi rác có thể qua phổi, qua các tuyến nhờn và qua da đi vào cơ thể con người, có thể gây ngộ độc trực tiếp hoặc gây bệnh ngoài da và bên trong cơ thể.

Thứ ba: Rác thải sinh hoạt hữu cơ như rau, củ quả, thức ăn thừa,…được thu gom với các loại rác vô cơ khác như túi nilon, gạch đá, sành, sứ, thủy tinh, sắt vụn và các loại chất thải nguy hại như: Bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy hỏng, dược phẩm, mỹ phẩm hết hạn sử dụng…sẽ là nguy cơ gây những vấn đề môi trường lớn hơn nhiều khi thu gom riêng rẽ chúng ra. Những chất ô nhiễm có trong các loại rác thải sẽ tác dụng với nhau và sinh ra một chất mới có khả năng gây độc hơn nhiều so với chất ô nhiễm ban đầu, hoặc làm gia tăng mức độ phát sinh khí thải từ các bãi tập kết rác tập trung. Vì vậy, để giảm phát thải khí từ các bãi rác chúng ta cần phải phân loại và để riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ khác, tránh thu gom các tất cả các loại rác thải với nhau để tránh một phần sự phát sinh khí thải hoặc sinh ra một chất ô nhiễm mới.

 

Phân loại rác sinh hoạt

Rác vô cơ, rác tái chế, rác hữu cơ cần phân loại, lưu chứa riêng biệt

Lợi ích của phân loại rác

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại tại nguồn. Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm đạt được các lợi ích chính sau:

Về lợi ích môi trường: 

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường. Khi giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã quy định không còn rác thải sinh hoạt chôn lấp vì phần lớn hoạt động chôn lấp rác thải không đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì vậy, việc phân loại rác thải góp phần giảm khí thải phát sinh, việc tận dụng các chất thải sinh hoạt có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Về lợi ích kinh tế:

Phân loại chất thải sinh hoạt mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trước hết, nó tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost. Đồng thời giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp rác cũng sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng sẽ giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như xử lý mùi phát sinh từ rác thải.

Về lợi ích xã hội:

Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Để công tác phân loại này đạt được hiệu quả như mong đợi, các ngành các cấp phải triệt để thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn cho cộng đồng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cũng như tác động của nó đối với môi trường sống.

Lợi ích xã hội lớn nhất do hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn mang lại chính là việc hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống.

Hướng dẫn phân loại rác thải

Việc phân loại rác tại nguồn sẽ là một hoạt động khả thi khi có sự đồng nhất của các khâu: Xả thải - phân loại - thu gom - xử lý. Ngoài sự tham gia tích cực của người dân; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ban ngành thì cần phải có sự giám sát của Ban giám sát cùng với một kế hoạch giám sát thích hợp, xuyên suốt các quá trình như: Phân loại rác từ các hộ gia đình; bỏ rác, thu gom rác tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác… đồng thời, cần phải có các phương án duy trì tính hiệu quả để tạo thành thói quen cho người dân.

 

Phân loại rác thải sinh hoạt

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Cụ thể:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Là các loại rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế như: Chai lọ nhựa, thủy tinh sạch có thể tái sử dụng hoặc bán phế liệu, các loại giấy sạch, sắt thép phế liệu, vỏ các hộp sữa rửa sạch...

- Đối với hộ gia đình, cá nhân: Tự xử lý đối với rác có thể tái chế hoặc bán phế liệu. Chỉ thu gom rác vô cơ và hữu cơ ra điểm trung chuyển rác thải.

- Đối với nơi công cộng: Tại nơi công cộng như các thôn, xóm bố trí các bể chứa rác hoặc thùng rác to (cũng được phân loại thành 2 loại là rác hữu cơ và rác vô cơ). Nếu bố trí được diện tích và nhân lực sẽ tiến hành ủ phân ngay tại nơi công cộng.

Chất thải thực phẩm (Rác hữu cơ): Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả, trái cây, bã trà, cà phê, cỏ, lá cây,… Những rác thải này sẽ được đem đi chế tạo thành phân bón. Có rất nhiều rác thải hữu cơ như:

- Phế thải nông nghiệp: Như rơm, rạ, thân, cành hoặc lá cây không có giá trị sử dụng hoặc ít có giá trị

- Các loại rác thải là những nguyên liệu công nghiệp như: Vỏ cà phê, bã mía, vỏ lạc,…

- Phế thải từ những hoạt động chế biến tinh bột.

- Thực phẩm đã bị hỏng hoặc thức ăn thừa: Như rau củ quả, thịt, cá, trứng,…

- Xác các loại động vật

Chất thải nguy hại: Pin, ắc quy thải bỏ, các loại hóa chất hết hạn sử dụng.....

Rác vô cơ: túi ni lông, đồ nhựa, sành, thủy tinh, bao bì chứa kem đánh răng, các loại mắm, muối không thể tái sử dụng, xương động vật, đồ chơi, quần áo cũ, xỉ than...

 

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Sở TN Và MT Tỉnh Hà Nam

 

Xem thêm: 

1. Hà Nam: Hướng dẫn các phương pháp xử lý rác hữu cơ

2. Từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải gia đình tại nguồn!

3. Hướng dẫn phân loại rác và chế tài nhằm thúc đẩy phân loại rác tại nguồn!

4. Trường THCS Phú Mậu (Huế) tổ chức chương trình hướng dẫn phân loại, tái chế rác, đổi vỏ hộp sữa lấy quà và giải cứu pin cũ!

Ý kiến bạn đọc