Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ), có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, là điều kiện tốt để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hàng ngày.
Theo Điều 26 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường quy định như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh hiện trên 900 tấn/ngày, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung là 312 tấn/ngày, cao nhất tại khu vực nông thôn trên 600 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt cao, tại khu vực nông thôn khá thấp. Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt. Riêng thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), trung bình mỗi ngày phát sinh trên 100 tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến trong thời gian tới, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố Sóc Trăng tiếp tục tăng theo dân số. Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có 10 phường, do Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng thu gom về xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn và các vùng lân cận thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Rác thải sinh hoạt ở nông thôn chưa được thu gom chiếm tỷ lệ cao. Ảnh: KIM NGỌC
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sóc Trăng, việc thu gom rác chủ yếu vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống. Sinh sống tại Khu đô thị 5A, khóm 4, phường 4, thành phố Sóc Trăng đã gần 10 năm, nhưng theo chị Trần Thị Thơm, phần lớn người dân trong khu đô thị vẫn chưa được hướng dẫn về phân loại rác thải. Hàng ngày, chị Thơm vẫn xách một túi rác sinh hoạt của gia đình ra để sẵn trước cửa nhà. Túi rác lớn chứa đủ các loại rác từ nhựa đến thức ăn thừa, giấy, thậm chí phân động vật, lưỡi lam, gốm sứ, kính bể... rất nguy hiểm. Cách 1 ngày có nhân viên môi trường cho xe tải vào Khu đô thị 5A chở rác đến thu gom rồi đẩy về nơi tập kết. Rác từ nhà dân được chất lên xe, quá trình này các loại rác cũng không được phân loại mà trộn lẫn vào nhau.
Anh Nguyễn Văn Vinh, ngụ đường Lê Hồng Phong, khóm 4, phường 3, thành phố Sóc Trăng, cho biết: "Tôi ủng hộ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt các hộ gia đình nếu không phân loại rác, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể để người dân nắm và thực hiện. Chất thải thực phẩm, chúng tôi có thể phân biệt được nhưng rác thải rắn hay rác thải có khả năng tái chế, nhiều người còn chưa phân biệt được…".
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Bỉnh Khuôi - Giám đốc Xí nghiệp Môi trường - Công ty Cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng cho biết: “Việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ra đời là cần thiết, là cơ hội tốt để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hàng ngày. Tuy nhiên, hiện tại, Xí nghiệp Môi trường chúng tôi vẫn thu gom rác bình thường giống như trước đây, chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng”.
Toàn tỉnh Sóc Trăng mỗi ngày thải ra hàng trăm tấn rác, nếu người dân ý thức được việc phân loại rác tại nguồn, thì vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm tiền bạc cho việc tái chế rác thải và xử lý ô nhiễm môi trường. Riêng rác thải hữu cơ sẽ tạo nguồn phân bón sạch phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí trong sản xuất...
Nguồn: Báo điện tử Sóc Trăng