Giới thiệu quy định mới bảo vệ môi trường nông nghiệp!

Thứ 4, 13/07/2022, 10:47 GMT+7

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tuyên truyền phổ biến các quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, nội dung quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời đánh giá các cơ hội thách thức của ngành trong quá trình áp dụng luật bảo vệ môi trường liên quan đến ngành để phát triển bền vững hơn.

Tại hội thảo, đại diện Vụ hoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp tham luận giới thiệu quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2020 với 16 chương, 171 điều với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, cân bằng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đưa ra các quy trình sản xuất nông nghiệp như: quy trình thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch, giới thiệu sổ tay hướng dẫn sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, rạ tại vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển kinh tế tuần hoàn nhờ tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp.

phụ phẩm nông nghiệp

Ảnh: Phụ phẩm nông nghiệp

Cùng với Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các văn bản mới về bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/02/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Các nghị định, thông tư mới quy định chi tiết hơn về thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn như xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trong quy định chung về bảo vệ môi trường đất; Điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong các hoạt động lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp; Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác; Tái sử dụng, sử dụng trực tiếp, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường…

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc