Ở Việt Nam, bệnh bụi phổi silic chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Bệnh gây nên bởi sự hít thở phải bụi có chứa tinh thể dioxyt silic, thông thường nhất là thạch anh.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện.
Nhằm đưa ra quy định cụ thể đảm bảo an toàn môi trường làm việc, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 02:2019/BYT về giới hạn bụi amiăng, bụi chứa silic, bụi không chứa silic, bụi bông và bụi than - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2019/BYT quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép đối với: Bụi amiăng tại nơi làm việc; Bụi silic tại nơi làm việc; Bụi không chứa silic tại nơi làm việc; Bụi bông tại nơi làm việc; Bụi than tại nơi làm việc.
Cụ thể QCVN 02:2019/BYT yêu cầu giá trị giới hạn tiếp xúc tối đa cho phép bụi amiăng tại nơi làm việc như Serpentine (chrysotile) là 0,1 sợi/ml và không tồn tại bụi Amphibole.
Với bụi silic tại nơi làm việc, Bộ Y tế yêu cầu nồng độ silic tự do trong bụi toàn phần tối đa 0,3 mg/m³ không khí. Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi bông tại nơi làm việc là 1mg/m khối không khí. Bụi than hô hấp tối đa là 2,0 mg/m³ không khí trong điều kiện silic tự do nhỏ hơn hoặc bằng 5%.
Quy chuẩn cũng quy định phương pháp xác định bụi amiăng theo TCVN 6504:1999 - Chất lượng không khí. Xác định nồng độ số sợi vô cơ trong không khí bằng kính hiển vi quang học phản pha.
Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với bụi phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố bụi tối thiểu 1 lần/năm theo quy chuẩn này và các quy định liên quan của Bộ luật lao động; Luật an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động phù hợp với môi trường làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Trường hợp nồng độ bụi tại nơi làm việc vượt giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của quy chuẩn này, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Quy chuẩn này áp dụng cho các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; các cơ quan, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động phát sinh bụi tại nơi làm việc và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nguồn: Ximang.vn