Những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Để hạn chế rác thải, Việt Nam đã đưa ra lộ trình về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa, được cụ thể hóa tại các văn bản Luật, Nghị định. Liên quan đến, lĩnh vực du lịch, Nghị định 08/NĐ-CP quy định, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các khu, điểm du lịch.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản quy định về giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, điển hình là Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Vấn đề quản lý chất thải nhựa tại các khu du lịch ven biển cũng đã được đề cập đến trong các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa biển, rác thải nhựa đại dương đối với nguồn phát sinh từ hoạt động du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, tới sự bảo tồn và đa dạng sinh học, vẻ đẹp cảnh quan môi trường, từ đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, ngành du lịch đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường.
Trong đó, ngành đã xây dựng Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch “Go Green - Du lịch Xanh” cam kết chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch,… Trong chiến lược phát triển, ngành du lịch luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa)
Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của việc bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch. Tại các địa phương phát triển du lịch như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội… đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi ni-lông, vật dụng nhựa trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, Cù Lao Chàm là khu du lịch đầu tiên trên cả nước “nói không” với túi ni-lông. Các hoạt động truyền thông về tác hại của túi ni-lông thường xuyên được đẩy mạnh. Trong khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, người dân được tặng các loại giỏ, túi xách thay thế cho túi ni -lông khi đi chợ, các tiểu thương thay túi ni lông bằng túi giấy làm từ các loại giấy báo cũ. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã chung tay vào giảm rác nhựa như đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước vào bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai; ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước. Tại huyện Cô Tô cũng triển khai đề án “Hạn chế sử dụng túi ni-lông”; cấp phát miễn phí hàng nghìn chiếc làn và túi đựng sinh thái cho các hộ gia đình trên đảo để đi chợ.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn…, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều vi phạm trong việc xả thải. Một trong những nguyên nhân là chế tài xử lý những hành vi vi phạm còn thấp. Do đó, để giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch. Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển.
Việc giải quyết những thách thức từ rác thải nhựa là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng giá trị cho du lịch Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, nhất là trong bối cảnh du lịch xanh đang trở thành xu thế chung. Làm được điều này, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong “dòng chảy” phát triển xanh, đạt được mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh trên thế giới.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm:
1. Nha Trang: Chung tay “Vì một đại dương xanh – Không rác thải nhựa”!
2. Phát động phong trào thu gom, xử lý rác thải nhựa tại huyện Côn Đảo!