Giải pháp cho ô nhiễm nhựa - từ nhận thức đến hành động: “Thành phố đáng sống” chống ô nhiễm nhựa

Thứ 2, 12/06/2023, 09:26 GMT+7

Đà Nẵng - Thành phố đáng sống đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nhựa ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái.

Để chống ô nhiễm nhựa, Đà Nẵng đã thông qua nhiều chương trình, dự án thúc đẩy hoạt động phân loại, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.

Nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Từ giữa năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác tại nguồn (PLRTN) theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND trong giai đoạn 2019 - 2025. Trong 3 năm qua (2020- 2022), thành phố đã đầu tư đồng bộ công tác triển khai phân loại từ truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, tổ chức đầu tư trang thiết bị đến hạ tầng thu gom, xử lý.

Năm 2022, toàn thành phố đã tổ chức 350 lễ phát động triển khai kế hoạch ở các cấp, 499 buổi tập huấn, đào tạo kỹ thuật thực hiện công tác PLRTN, 60 hội thi, ngày hội thu đổi chất thải tài nguyên và 861 đợt truyền thông qua kênh xã hội thu hút sự quan tâm của tổ chức, cộng đồng với hơn 145.490 lượt người tham gia hoạt động PLRTN; hơn 11.821 tài liệu, sổ tay, 1.587 poster, pano tuyên truyền các loại; 1.200 tin bài, 559 phóng sự tuyên truyền đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố; các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp; các cơ sở du lịch, dịch vụ; trường học, các cơ sở tôn giáo,…

Giải pháp cho ô nhiễm nhựa - từ nhận thức đến hành động: “Thành phố đáng sống” chống ô nhiễm nhựa

Người dân trong khu dân cư tiến hành phân loại rác thải, đưa đến đơn vị thu gom, tái chế nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động

100% cán bộ đại diện tổ dân phố, khu dân cư (KDC) của 56/56 phường, xã được tập huấn trực tiếp về PLRTN do UBND các quận, huyện, các hội, đoàn thể triển khai; 100% hộ dân, KDC đã được địa phương cấp phát tài liệu tuyên truyền; 100% cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố, 100% cán bộ Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp của thành phố; 100% cơ sở lưu trú, khách sạn đã được tập huấn chuyên đề về triển khai PLRTN, chủ trương thực hiện PLRTN, giảm thiểu rác thải nhựa của thành phố.

Hơn 37 mô hình liên quan về phân loại rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa,... đã được UBND các quận, huyện và các tổ chức, hội đoàn thể tiếp tục thực hiện trong thời gian qua. Phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa, cách làm hay, hiệu quả, điển hình như mô hình “Khu dân cư phân loại rác”, “Trường học xanh nói không với rác nhựa”, “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”, “Chợ giảm túi ni lông”, “Đô thị giảm nhựa”… tạo nguồn quỹ cho các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhằm tăng cường kiểm tra việc triển khai PLRTN, quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.

Hợp tác quốc tế chống ô nhiễm nhựa

Thời gian qua, thành phố đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ Đà Nẵng quản lý chất thải rắn, PLRTN, quản lý rác thải nhựa... với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Trong đó, có thể kể đến các dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mang lại hiệu quả cao như: Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, dự án “Chung tay bảo vệ môi trường nước”, dự án Chương trình “Thành phố sạch - Đại dương Xanh”.

Đáng chú ý là dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” hiện đang hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động về giảm rác thải nhựa tại quận: Hải Châu và Cẩm Lệ; đã hỗ trợ Hội LHPN thành phố triển khai sáng kiến “Huy động Câu lạc bộ Sống xanh tham gia quản lý rác thải tại cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2021 - 2022”. Thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ, tăng cường các giải pháp thúc đẩy triển khai kế hoạch hành động về giảm rác thải nhựa ở các quận, huyện.

Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai Dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tài trợ thông qua Tổ chức iDE. Với tổng mức kinh phí 34,6 tỷ đồng, dự án có thời gian thực hiện 3 năm (2022 - 2024).

Mục tiêu của dự án: Tăng cơ hội sinh kế trong việc quản lý rác thải nhựa; Thu gom, xử lý và bán rác thải nhựa “có khả năng ra đại dương” thông qua các hình thức kinh doanh có trách nhiệm; Giảm lượng rác thải nhựa hiện có trong môi trường tự nhiên: Nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa ở địa bàn dự án lên 35% từ mức dưới 15% hiện nay; Các doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm mong muốn với giá cạnh tranh thị trường và có nguồn cung cấp nguyên liệu đáng tin cậy.

Theo Tổ chức iDE cho biết, năm 2022, Ban quản lý dự án (BQLDA) đã phối hợp với Sở TN&MT, Phòng TN&MT ba quận: Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn tập huấn về phân loại rác thải nhựa và cung cấp thông tin về kinh doanh có trách nhiệm. Đặc biệt, BQLDA cũng đã kết nối và thu gom 7,5 tấn rác thải nhựa dùng một lần, đưa đến 1 cơ sở tái chế nhựa...

Năm 2023, BQLDA sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện các giải pháp nhằm tăng 10,5% tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa; tiếp tục kết nối 300 người thu gom rác thải nhựa với các đơn vị thu gom, tái chế nhằm tăng thu nhập hàng ngày cho người lao động; tập huấn cho 100 cửa hàng thu gom về kinh doanh có trách nhiệm và kinh doanh ngành nhựa để bán thông qua các đối tác thương mại và những cơ sở thu mua khác… nhằm tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy tăng nhu cầu đầu ra cho các sản phẩm nhựa tái chế.

Qua đó, đóng góp tích cực cho việc thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” cũng như công tác PLRTN, giảm thiểu rác thải nhựa của thành phố.

Nguồn: www.tainguyenvamoitruong.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc