Hình thức thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, bao gồm: trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.
Bài viết thuộc chuỗi bài chia sẻ quy định pháp luật hiện hành trong thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR cũng như giải pháp tổ chức thực hiện EPR phù hợp quy định tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
(1) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì
(2) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được chọn một trong hai hình thức này; nếu chọn tổ chức tái chế thì không thực hiện đóng góp tài chính; nếu lựa chọn đóng góp tài chính thì không thực hiện tổ chức tái chế.
Trường hợp lựa chọn tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian đăng ký và báo cáo kết quả tái chế hằng năm.
Trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải kê khai và đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
(Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia, “Tổng hợp trả lời câu hỏi thường gặp về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu”, xem tại link: https://epr.monre.gov.vn/vi/bai-viet/qa-ve-trach-nhiem-tai-che-xu-ly-chat-thai-cua-nha-san-xuat-nhap-khau/, truy cập ngày 18/06/2024)
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì thì có thể lựa chọn thực hiện theo các cách thức sau đây:
(1) Tự thực hiện tái chế;
(2) Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế;
(3) Uỷ quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế;
(4) Kết hợp cả 03 cách thức nêu trên.
Nhà sản xuất, nhập khẩu muốn tự thực hiện tái chế hay thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị tái chế được thuê phải phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật như:
+ Phải có công nghệ, thiết bị tái chế phù hợp để đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc;
+ Tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường như: có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; có giấy phép môi trường;
+ Tuân thủ các quy định về quan trắc, xử lý chất thải.
Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức ủy quyền toàn bộ cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế thì bên được ủy quyền phải bảo đảm:
(1) Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;
(2) Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được uỷ quyền;
(3) Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý uỷ quyền tổ chức tái chế. Bên được ủy quyền thực hiện đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế hàng năm thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu đã ủy quyền.
Bài viết thuộc chuỗi bài chia sẻ quy định pháp luật hiện hành trong thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR. Trường hợp Quý Khách hàng cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ các kênh chính thức của Chúng tôi qua hotline 1900 545450 – 033 835 1122 hoặc để lại yêu cầu tại www.moitruongachau.com.
Nguồn: Môi Trường Á Châu