Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: nhiều quy định mới về phân loại, quản lý và xử lý chất thải

Thứ 2, 04/05/2020, 02:26 GMT+7

ff3f78bd12f2e8acb1e3

Hình ảnh kho lưu chứa chất thải nguy hại (nguồn: Môi Trường Á Châu)


Phân loại chất thải để thuận tiện quản lý

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây đã phân loại các nhóm chất thải để thuận tiện cho việc quản lý.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, dự thảo đưa ra yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; chia làm bốn nhóm:

  • Chất thải rắn có khả năng tái chế;
  • Chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh;
  • Chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác;
  • Chất thải nguy hại tại hộ gia đình, cá nhân được quy định như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.

Đối với quản lý chất thải nguy hại (CTNH), đưa ra 3 vấn đề mới:

  • Dự kiến bỏ quy định cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại mà thay bằng hình thức khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Việc này giúp cải cách thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo yêu cầu về quản lý.
  • Đưa ra quy định mới về các đơn vị được phép vận chuyển CTNH đến cơ sở xử lý: ngoài tổ chức có giấy phép môi trường phù hợp với loại chất thải cần xử lý thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại. Điều này nhằm giảm thiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua đồng thời vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc vận chuyển CTNH.
  • Quy định yêu cầu chủ xử lý phải công khai, cung cấp thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ các chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý để được giám sát theo quy định.

Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thườngdự thảo Luật đưa ra các quy định mới đáng chú ý như:

  • Chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về sản phẩm, hàng hóa. Điều này cho phép tận dụng tài nguyên để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
  • Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải xây dựng dưới 300 kg chủ nguồn thải có thể lựa chọn hình thức như đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình, cá nhân, nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện quy định của pháp luật trên thực tế.
  • Dự thảo Luật yêu cầu chủ nguồn thải và chủ thu gom, vận chuyển và xử lý sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường khi chuyển giao, đảm bảo theo dõi chặt chẽ đối với chất thải cần quản lý.

Hình ảnh: xe vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường (nguồn: Môi Trường Á Châu)


Không đầu tư cơ sở xử lý nhỏ lẻ ở cấp xã

Cụ thể, sẽ không đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhà nước thực hiện lộ trình chấm dứt xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp trực tiếp.


Việc phục hồi môi trường cũng được quy định chặt chẽ cùng với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Theo đó, đối tượng phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường bao gồm các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi chôn lấp và các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp nêu trên; tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường; báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương; lập hồ sơ bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý; đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong những năm tiếp theo.

Để thực hiện việc này, dự thảo Luật quy định chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc