Dệt may và bài toán giảm phát thải: Sân chơi mới, thách thức mới

Thứ 6, 18/05/2018, 02:02 GMT+7
Chấp nhận yêu cầu của thị trường
 
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trung bình mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam đang phải chi khoảng 3 tỷ USD cho năng lượng sản xuất, đội giá thành sản xuất lên cao và trở thành một trong những điểm yếu của sản phẩm dệt may Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế nên vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, rất tiêu tốn năng lượng.
 
Các nghiên cứu cho thấy, ngành dệt may đang chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2. Công nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới, bởi theo tính toán, cứ 1 đồng sản xuất phải mất 1 đồng cho chi phí năng lượng. Có đến gần 200 doanh nghiệp dệt may thuộc diện doanh nghiệp phát thải trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi).
 
Theo ông Giang, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những quy định kỹ thuật chặt chẽ trên thị trường thế giới về giá thành, chất lượng sản phẩm, về an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho chính người lao động trong ngành. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.
 
Dệt may Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 4 thị trường lớn là: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và bắt đầu đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường mới như Trung Quốc hay Nga. Từ tháng 3/2018, Việt Nam gia nhập Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở ra cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào những thị trường phi truyền thống như Canada và Úc. Đây là những thị trường khá lớn trong khi xuất khẩu của Việt Nam hiện tại còn rất khiêm tốn.
 
Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới chuẩn bị có hiệu lực như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đều có quy định về cam kết bảo vệ môi trường, phát thải cacbon thấp. Hiện nay, đa số doanh nghiệp (DN) dệt may đã tiếp nhận yêu cầu dán nhãn cacbon trên sản phẩm từ nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng bắt đầu ưu tiên lựa chọn những đối tác doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để tăng uy tín. Bởi vậy, từ nay cho đến khi các Hiệp định này chính thức có hiệu lực, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần cố gắng chuẩn bị tốt năng lực sản xuất. Và ngay từ bây giờ, xúc tiến kết nối, làm việc với khách hàng cùng tìm ra các giải pháp đáp ứng những yêu cầu về xuất xứ của sản phẩm.
 
Có thể tiết kiệm 30% chi phí năng lượng
 
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả và giảm tiêu hao năng lượng có thể giúp ngành dệt may Việt Nam tiết kiệm khoảng 30% năng lượng trong sản xuất. Điều này đồng nghĩa việc giảm khoảng 1 tỷ USD chi phí sản xuất mỗi năm, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và có thêm nguồn lực.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ triển khai Chương trình năng lượng phát thải thấp. Chương trình hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ sản xuất tiên tiến, năng lượng tái tạo hoặc các thiết bị sử dụng phế phẩm của ngành để tạo năng lượng. Trong đó, ngành dệt may có nhiều dòng sản phẩm và công đoạn sản xuất, chủ yếu tiêu thụ năng lượng từ than, khí nén và điện năng.
 
Để chủ động ứng phó rào cản kỹ thật ngày càng nghiêm ngặt, ông Vũ Đức Giang đề nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ về tiết kiệm điện năng; nhân rộng những mô hình tiết kiệm năng lượng (TKNL) hiệu quả. Các Bộ, ngành liên quan cần thiết phải xây dựng quy định tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu cho từng lĩnh vực; hình thành tín chỉ thương mại về cacbon; thị trường mua bán tín chỉ cacbon; tiêu chuẩn hiệu suất… Về tài chính cần có cơ chế bảo lãnh của các ngân hàng trong việc cho DN vay vốn.
 
Các doanh nghiệp - những đối tượng giảm phát thải chính phải thay đổi tư duy về tiết kiệm năng lượng trong giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất,  chủ động tiếp cận chính sách và các chương trình hỗ trợ hỗ trợ phát thải thấp. Về lâu dài, cần có cơ chế hoạt động minh bạch cho các công ty dịch vụ năng lượng, công ty tìm kiếm giải pháp tài chính hỗ trợ DN triển khai giải pháp TKNL, từng bước hình thành quỹ quay vòng vốn cho DN.
 
Dự kiến đến tháng 6/2018, liên minh các doanh nghiệp dệt may bền vững sẽ chính thức thành lập để hỗ trợ DN Việt Nam cải thiện môi trường sản xuất, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Theo Khánh Ly/Báo TN&MT
Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc