Đề án quản lý chất thải rắn: phải tạo đột phá mạnh mẽ theo cơ chế thị trường và khuyến khích xã hội hóa

Thứ 2, 21/10/2019, 09:59 GMT+7

Sự ra đời của "Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt"

Theo kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom, xử lý khoảng 85%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình nông thôn trong cả nước vào khoảng hơn 24.000 tấn/ngày. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố, đô thị bước đầu đã có kết quả tốt; tuy nhiên tại nông thôn chưa được coi trọng, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40%-55%. Nhiều khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất khó khăn, nhiều bãi rác tự phát hình thành chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến là chôn lấp (71% lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp), trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng gia tăng qua các năm, đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường nước ta. Trong khi đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thời gian tới.

Vì vậy, thực hiện phương án thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn theo Nghị quyết số 09/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam trên cơ sở lồng ghép nội dung Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đã trình Chính phủ.

Mục tiêu của dự thảo đề án
"Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn từ cấp trung ương đến cấp địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018."

Các nội dung nhiệm vụ cơ bản như sau:
 
(i) Hoàn thiện tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và cơ chế tài chính đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
(ii) Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, huy động nguồn lực toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
(iii) Xây dựng và triển khai các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa.
(iv) Tăng cường xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực.
(v) Xây dựng và triển khai đồng bộ công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
(vi) Giải pháp về khoa học và công nghệ.
(vii) Giải pháp về hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực.
 

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ đã góp ý cho dự thảo đề án về một số vấn đề như: cần nêu rõ trách nhiệm của địa phương trong quản lý chất thải sinh hoạt; có cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả;...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Một số ý kiến phát biểu tại cuộc họp
  • Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT

"Đề án cần đề cập đến trách nhiệm của địa phương trong quản lý chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, tiến tới việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, có quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất để thúc đẩy thị trường tái chế. Đề án cũng cần giao trách nhiệm đến Bộ Y tế trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt."

  • ​​Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT)
"Đề án cũng cần đề cập đến việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhìn nhận thực tế, hiện nay, công tác thu gom rác tại Việt Nam tốn nhiều nhân lực mà không hiệu quả. “Công nghệ xử lý rác nào phù hợp? Cần có những khuyến nghị gì đối với địa phương? Gỡ cho được điểm nghẽn về tài chính xử lý rác. Đây là những vấn đề cần lưu ý trong việc đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt”
  • Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh
"Dự thảo đề án cần kết nối từ mục tiêu tổng quát đến mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp. Đồng thời, phải đưa ra các sản phẩm của Đề án có thể là một số mô hình thí điểm đạt được hiệu quả và có những lộ trình chiến lược. “Dự thảo đề án nên xây dựng thêm các chính sách giảm rác thải, thu gom phân loại một cách đồng bộ”
Định hướng và chỉ đạo về nội dung dự thảo Đề án từ Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân

"Đề án phải xây dựng dựa trên tinh thần Nghị quyết số 09/NĐ-CP về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án phải có những điểm đột phá, đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo được sự quản lý thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương."

“Nội hàm của nội dung đề án xoay quanh quan điểm: chuyển hướng quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo cơ chế thị trường, xã hội hóa thể chế tài chính, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia, khuyến khích đầu tư các công nghệ hiện đại như đốt rác phát điện. Chúng ta đặt ra mục tiêu: đến năm 2025, rác phải được phân loại, xử lý với tỷ lệ cụ thể, áp dụng trước mắt ở 5 thành phố lớn”.

***

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đơn vị và chỉ đạo Tổng cục Môi trường cần tiếp thu, xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để chỉnh sửa hoàn thiện đề án, sớm trình lãnh đạo Bộ và Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT & Cục quản lý Tài nguyên Nước

Tổng hợp: Môi Trường Á Châu

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc