Đẩy mạnh tính liên ngành, liên vùng trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ 2, 29/10/2018, 06:02 GMT+7

Trong giai đoạn tới, tính liên ngành, liên vùng trong các giải pháp thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được đẩy mạnh triển khai hơn nữa. Đặc biệt, cần áp dụng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng KHCN về ứng phó thông minh với BĐKH.

anh-3

Cần các giải pháp thông minh để ứng phó với BĐKH. Ảnh:VGP/Thu Cúc.

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo Khoa học và công nghệ phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 25/10, phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ướng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Nghị quyết số 24 nhằm xây dựng kế hoạch tổng thế, hành động kịp thời trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện Nghị quyết, nhiều chương trình trọng điểm cấp Quốc gia đã được triển khai như Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng; Chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản; Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, kết quả nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp, các mô hình tích cực thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó đã được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết số 24, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin về những kết quả của Chương trình, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, các nhiệm vụ được phê duyệt và đang triển khai đã đạt được các kết quả như: đã tính toán để xây dựng, phát triển hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn (các loại đất, cây trồng, rừng...), đưa ra được các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là các vùng dễ bị tổn thương. 

Đồng thời, đưa ra các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều hỉnh kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.

Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường: đã đưa ra các phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý biến động tài nguyên và quản lý giám sát biến động sử dụng đất, đã xây dựng được các bản đồ quản lý tài nguyên đất; tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông và xây dựng được các bản đồ.

Theo các đại biểu, trong giai đoạn tới, tính liên ngành, liên vùng trong các giải pháp thích ứng, ứng phó BĐKH cần được đẩy mạnh triển khai hơn nữa. Để hóa giải những tác động kép của BĐKH và sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế, xã hội cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể: xây dựng và triển khai chiến lược mới, quy hoạch mới, các dự án mới về chuyển đổi lớn, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường dựa vào đánh giá và dự báo định lượng, tin cậy các nguyên nhân của chuyển đổi lớn (diễn biến, tác động, tổn thương của BĐKH, nước biển dâng, tác động của sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong, sông Hồng, các sông lớn của nước ta và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên...).

Tổ chức xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhằm chuyển hóa các thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng thành cơ hội phát triển, đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển kinh tế.

Đặc biệt, cần áp dụng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng KHCN về ứng phó thông minh với BĐKH, khoa học bền vững và các ngành khoa học khác liên quan để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống.

Nguồn: Thu Cúc/Báo điện tử Chính phủ

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc