Đẩy mạnh giảm thiểu rác thải nhựa, một số tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai các sáng kiến, mô hình thiết thực theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển bền vững.
Vừa qua, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) tổ chức khởi động mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” tại chợ Hàn (thuộc quận Hải Châu).
Chợ Hàn là một trong những chợ lớn nhất tại thành phố Đà Nẵng. Khảo sát năm 2021 của WWF – Việt Nam tại chợ Hàn cho thấy lượng chất thải rắn phát thải từ chợ là 800 – 1.000 kg/ngày, rác nhựa chiếm 15,1%, trong đó có tới 66,4% là ni lông. Vì vậy, việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông trong mua bán tại chợ, hướng tới mua sắm bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông là rất cần thiết.
Theo đó, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa được phát động nhằm kêu gọi tiểu thương, người tiêu dùng tại chơ hành động tích cực, giảm rác thải nhựa.
Ngoài ra, tại chợ Hàn còn ra mắt quầy hàng sinh thái tại chợ. Tại quầy hàng này, vào ngày Chủ nhật Xanh (mỗi tháng 1 – 2 lần), người dân, tiểu thương có thể đổi rác tái chế lấy quà tặng, mua sắm các sản phẩm tẩy rửa sinh học với giá thành ưu đãi. Quầy hàng sinh thái cũng sẽ thực hiện thu gom các túi ni lông sạch trong cộng đồng để tái sử dụng lại tại chợ Hàn.
Mục tiêu, giai đoạn 2021 – 2023 tỷ lệ thu hồi rác tái chế rác thải nhựa tại Chợ Hàn đạt 30%; 30% số các quầy hàng trong chợ đăng ký và thực hiện giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; 30% số quầy hàng đăng ký và thực hiện “không cung cấp túi ni lông khi chưa được yêu cầu.
Mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Hàn là một trong những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng khi tham gia chương tình Đô thị giảm nhựa, cùng hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. “Mô hình Chợ giảm thiểu rác thải nhựa hi vọng sẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của tiểu thương và người đi chợ, hướng tới giảm phát thải rác nhựa; góp phần xây dựng chợ Hàn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là điểm đến thân thiện với môi trường.
Cũng triển khai mô hình này, tại quận Thanh Khê, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đang phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam triển khai mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 chợ dân sinh. Các chợ tham gia mô hình này gồm: Tân An, Tân Lập, Quán Hộ, Chính Gián, Tam Thuận.
Thông qua mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ muốn vận động người dân đi mua sắm tại các chợ mang theo làn, hộp đựng dùng nhiều lần; túi giấy và túi ni-lon dễ phân hủy... để thay thế cho túi nhựa và túi ni-lon khó phân hủy. Đồng thời, thông qua chương trình này, các tiểu thương buôn bán tại các chợ cũng chủ động sử dụng các loại lá chuối, lá dong, túi giấy... để gói các sản phẩm và thực hiện phân loại rác.
Thành phố Đà Nẵng đang hướng tới là thành phố môi trường. Đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại – dịch vụ, thành phố cần phải giải quyết “bài toán” rác thải nhựa tại các chợ dân sinh.
Ảnh: Nguồn ITN
Ngày 15/7, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã phát động phong trào hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng phong trào này, đại diện cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa khẳng định: cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực giảm thiểu túi ni lông và bao bì nhựa dùng một lần nói riêng và phong trào chống rác thải nhựa nói chung.
Dịp này, Ban tổ chức đã phát quà tặng là túi sinh học, để người dân trên địa bàn chuyển dần sang sử dụng loại túi sinh học, hạn chế, tiến tới "nói không" với các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt.
Đồng xử lý chất thải (Co-processing)
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT