Citenco và PRO Việt Nam hợp tác xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế

Thứ 3, 17/11/2020, 00:24 GMT+7

Picture1_1

Các bên ký kết hợp tác. Ảnh: VGP/Lê Anh

Việc ký kết biên bản hợp tác thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ môi trường góp phần giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác xử lý chất thải tái chế nói riêng và chất thải rắn nói chung tại TPHCM hiện nay.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam nhấn mạnh, Citenco và PRO Việt Nam sẽ hợp tác xây dựng các dự án trong những lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích dành cho chất thải có thể tái chế; truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và những người thu gom rác độc lập.

Theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, mỗi  ngày TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, chất thải nhựa chiếm tỉ lệ cao (chỉ sau rác hữu cơ) khoảng hơn 1.500 tấn. Tỉ lệ gia tăng khối lượng hàng năm tăng từ  6%-10%.

Hoạt động thu gom chất thải rắn trên địa bàn TPHCM hiện nay do 2 nhóm đơn vị thực hiện: Hệ thống công lập do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và 22 Công ty dịch vụ công ích quận, huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn Thành phố; hệ thống dân lập do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng  rác Thành phố.

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành của Thành phố đạt 100%, khu vực ngoại thành 70-80%.

Hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay trên địa bàn TPHCM còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại, tỉ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao, cùng với việc thu gom chưa triệt để là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển  làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó công tác xử lý chất thải rắn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất và ảnh hưởng đến môi trường.

Chính vì vậy, việc triển khai, hợp tác giữa Citenco và PRO Việt Nam nhằm xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được kỳ vọng sẽ giúp giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của thành phố; tạo nền tảng cơ sở để thay đổi thói quen của người dân từ phân loại tự phát như hiện nay thành phân loại có mục đích mang tính khoa học được tổ chức và được quản lý chặt chẽ.

 

TP HCM lập mạng lưới thu gom rác tái chế

 

Trong bài viết “TP HCM lập mạng lưới thu gom rác tái chế” trên báo Vnexpress ngày 16/11/2020 cũng chỉ rõ cách thức triển khai đề án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế" của CITENCO. Với dự án, sẽ có 5 loại rác tái chế được mua với giá thị trường, đưa về hai trạm trung chuyển ở quận 11 và Gò Vấp, dự kiến thu gom 200 tấn mỗi ngày.

Chúng tôi xin trích dẫn nội dung bản tin này: (link bản tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-lap-mang-luoi-thu-gom-rac-tai-che-4192462.html):

Đề án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế" do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP HCM công bố sáng 16/11 sẽ thực hiện với 5 loại rác tái chế, gồm: nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh và nilon. Hai trạm trung chuyển rác Quang Trung (quận Gò Vấp) và Tống Văn Trân (quận 11) sẽ tiếp nhận nguồn thải từ các công ty dịch vụ công ích quận, huyện; lực lượng rác dân lập, cơ sở phế liệu, khu dân cư, cơ quan, trường học, chợ...

Định kỳ hàng tuần, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị công khai giá thu đổi rác tái chế trên website công ty và các địa điểm thu gom. Rác cũng được thu gom theo hình thức đổi quà gồm nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng, phiếu mua sắm, vé du lịch... Với những nguồn thải có khối lượng lớn, việc thu đổi sẽ được ký hợp đồng, thu theo tuần, tháng có sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Sau khi thu gom, rác tái chế được ép kiện, chứa bao jumbo, cân xác định khối lượng và chuyển về kho chứa tại công trường Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 6.000 m2. Tại đây sẽ xây dựng nhà xưởng sản xuất hạt nhựa từ rác giấy, nhựa. Các loại rác còn lại sẽ được Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với hơn 18 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng có phát sinh rác thải nhựa thu gom, tái chế.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP HCM) cho biết, mục tiêu đề án nhằm tạo giá trị kinh tế cho cá nhân, đơn vị thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tỉ lệ chôn lấp. Khi nguồn rác tái chế đủ lớn, các bên liên quan có giải pháp biến rác thải thành nguyên liệu tái sử dụng.

"Trong 3 năm thí điểm, nếu đề án phát huy hiệu quả chúng tôi đề xuất thành lập trung tâm xử lý rác tái chế quy mô lớn ở công trường Gò Cát đáp ứng khối lượng rác thải tái chế thu gom được", ông Tuấn nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết, việc liên minh tham gia vào đề án nhằm thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa là một phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu đến năm 2030, tất cả bao bì rác thải của 18 doanh nghiệp của liên minh sẽ được thu hồi và tái chế.

Kinh tế tuần hoàn từ tái chế bao bì (Nguồn: PRO Vietnam)


Nguồn:

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (http://tphcm.chinhphu.vn/citenco-va-pro-viet-nam-hop-tac-thu-gom-va-xu-ly-rac)

Báo VnExpress (https://vnexpress.net/tp-hcm-lap-mang-luoi-thu-gom-rac-tai-che-4192462.html)

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc