Chuyển dịch kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh!

Thứ 5, 04/08/2022, 04:40 GMT+7

Các vùng trung du, miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ đều có tiềm năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn.

Hướng tăng trưởng kinh tế bền vững của trung du và miền núi phía Bắc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, đến 2030, trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện. Theo đó, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai và biến đổi khí hậu vùng. Xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng…

Đồng thời, đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển công nghiệp và nông nghiệp vùng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Nghị quyết cũng đề ra các tỉ lệ  cụ thể như: tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 90%; chất thải rắn đô thị đạt 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

kinh tế xanh

Phát huy tiềm năng vùng Đông Nam Bộ

Kinh tế xanh là hướng tăng trưởng kinh tế bền vững của Đông Nam Bộ, ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ" vừa diễn ra.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà kinh doanh tập trung thảo luận về: Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đông Nam Bộ đóng góp 30 % GDP và 40% thu ngân sách cho cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng này muốn tăng trưởng kinh tế bền vững thì phải phát triển kinh tế xanh. Trong liên kết vùng nên phối hợp việc sử dụng nguyên, nhiên liệu và tái chế. Vùng nên tập trung phát triển các mô hình công nghiệp sinh thái. Phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp phải chú trọng việc tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất.

 Trong liên kết vùng nên phối hợp việc sử dụng nguyên, nhiên liệu và tái chế. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, vùng nên chọn 5 lĩnh vực ưu tiên làm trước. Đó là nông nghiệp, phát triển đô thị, vận tải, chuyển đổi năng lượng và kinh tế biển. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hoàn xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển kinh tế xanh.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc