Ngày 02/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, ngày 02/11/2023.
Nội dung Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT có nêu rõ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm Quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm:
(1) Nhóm I - Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, được chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thuỷ tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ;
(2) Nhóm II - Chất thải thực phẩm;
(3) Nhóm III - Chất thải rắn sinh hoạt khác, được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.
Mời Quý vị xem đầy đủ nội dung công văn Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại đây
Về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các nội dung lưu ý Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi xem xét, ban hành quy định chi tiết về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung sau:
1. Nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; trong đó lưu ý một số nội dung sau:
Một là, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Hai là, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Trong thời gian qua, người dân từ nhiều địa phương đã hưởng ứng rất nhiệt tình các hoạt động phân loại rác. Nhiều người dân cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn không hề khó làm nếu có những hướng dẫn và tổ chức thực hiện thu gom đầu cuối rác thải.
Ảnh: Người dân hưởng ứng và tham gia hoạt động ngày hội tái chế, truyền thông phân loại rác tại nguồn (Ảnh: Môi Trường Á Châu)
Một số hoạt động về phân loại rác tại nguồn:
Nguồn: Môi Trường Á Châu tổng hợp