Cập nhật mới nhất năm 2022, Chất thải nguy hại là gì? Mã CTNH là gì? Hướng dẫn tra cứu mã chất thải?

Thứ 5, 03/03/2022, 07:50 GMT+7

Cập nhật mới nhất năm 2022, về Chất thải nguy hại: Chất thải nguy hại là gì? Mã CTNH là gì? Hướng dẫn tra cứu mã chất thải nguy hại?

Khái niệm căn bản về chất thải nguy hại (CTNH), hướng dẫn và các mối quan tâm xoay quanh công tác quản lý chất thải nguy hại tại doanh nghiệp được tổng hợp trong các bài về “Chất thải nguy hại”. Các bài viết hướng đến cung cấp cho doanh nghiệp, nhân viên quản lý môi trường, nắm đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý và các hướng dẫn căn bản để tổ chức công tác quản lý môi trường tại cơ sở.

Kính mời Quý vị tham khảo

Chất thải nguy hại là gì?

Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. (Căn cứ theo Điều 3 – Luật Bảo Vệ Môi Trường số 72/2020/QH14). 

Cơ sở pháp luật về quản lý chất thải nguy hại

Căn cứ luật bảo vệ môi trường số Căn cứ Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;

Căn cứ nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022  Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Chất thải nguy hại được xác định và phân loại như thế nào?

Để xác định và phân loại CTNH, mã chất thải được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này- Danh mục chất thải nguy hại (Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 về quản lý chất thải nguy hại)

1. Mã số CTNH (mã chất thải nguy hại) là gì? Ý nghĩa mã số CTNH?

 Mỗi loại CTNH sẽ được thể hiện bằng mã số, được gọi là mã CTNH (mã chất thải nguy hại).

1.1. Mã CTNH được tổ hợp từ 1, 2 hoặc 3 cặp chữ số (hay 2, 4 hoặc 6 chữ số) như sau:

a) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ nhất thể hiện mã của nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

b) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ hai thể hiện mã của phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải trong từng nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

c) Cặp chữ số (hay 2 chữ số) thứ ba thể hiện mã của từng loại chất thải trong từng phân nhóm nguồn hoặc dòng thải.

1.2. Tên chất thải: Là cột thể hiện tên gọi của các chất thải trong Danh mục, được phân loại theo 3 cấp như sau:

a) Cấp 1 (tương ứng với mã có 1 cặp chữ số): Tên gọi của nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

b) Cấp 2 (tương ứng mã có 2 cặp chữ số): Tên gọi của phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải trong từng nhóm nguồn hoặc dòng thải chính;

c) Cấp 3 (tương ứng mã đầy đủ 3 cặp chữ số): Tên gọi của từng loại chất thải trong từng phân nhóm nguồn hoặc dòng thải.

Ví dụ: Doanh nghiệp phát sinh các loại Bóng đèn huỳnh quang thải thì chất thải này có mã số CTNH là 16 01 06, ý nghĩa mã số chất thải nguy hại như sau:

• “16” là mã số của nhóm nguồn “Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác”

• “01” là mã số của phân nhóm “Các thành phần chất thải đã được thu gom, phân loại (trừ các loại nêu phân nhóm mã 18 01)”

• “06” là mã số thể hiện của chất thải “bóng đèn huỳnh quang”

chất thải nguy hại

Ảnh: Chất thải nguy hại: Bóng đèn huỳnh quang thải

Tất cả chất thải được phân định vào từng nhóm với mã số riêng biệt tại mục C – phụ lục III: Danh mục chi tiết của các CTNH, CTCNPKS, CTRCNTT

2. Hướng dẫn quy trình tra cứu, sử dụng Danh mục mã chất thải nguy hại

2.1 Trường hợp 1: Tra cứu một chất thải bất kỳ căn cứ vào mã chất thải: Nếu đã biết mã chất thải, căn cứ vào cột “Mã chất thải” trong Danh mục chi tiết tại Mục C Phụ lục này để tìm ra loại tương ứng.

2.2 Trường hợp 2: Tra cứu, phân loại và áp mã chất thải căn cứ vào nguồn thải hoặc dòng thải:

Bước 1: Căn cứ Danh mục nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính tại Mục B Phụ lục này để sơ bộ xác định một chủ nguồn thải đang được xem xét có thể phát sinh các chất thải nằm trong những nhóm nào, có thứ tự bao nhiêu. Lưu ý là một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể liên quan đến một số nguồn thải hoặc dòng thải khác nhau do bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, do đó phát sinh những chất thải nằm trong nhiều nhóm khác nhau thuộc hai loại như sau:

- Các nhóm mã từ 01 đến 16 bao gồm những nhóm chất thải đặc trưng cho từng loại nguồn thải hoặc dòng thải khác nhau;

- Các nhóm mã 17, 18 và 19 (trừ 19 12 chỉ áp dụng theo hướng dẫn tại điểm 2.2.6 Phụ lục này) bao gồm những nhóm chất thải chung mà mọi nguồn thải đều có thể phát sinh.”

Bước 2: Căn cứ vào thứ tự nêu trên để xác định vị trí của nhóm chất thải phân loại theo nhóm nguồn hoặc dòng thải chính trong Danh mục chi tiết tại Mục C Phụ lục này (tương ứng với nhóm mã chất thải gồm một cặp chữ số).

Bước 3: Rà soát trong nhóm nguồn hoặc dòng thải chính nêu trên để xác định phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải liên quan (tương ứng với phân nhóm mã chất thải gồm hai cặp chữ số).

Bước 4: Rà soát trong phân nhóm chất thải phân loại theo phân nhóm nguồn hoặc dòng thải nêu trên để xác định từng loại chất thải căn cứ vào tên của chúng (tương ứng với mã chất thải gồm ba cặp chữ số). Phân loại và áp mã chất thải tương ứng.

Bước 5: Trong trường hợp một hỗn hợp chất thải không có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết tại Mục C Phụ lục này, việc phân loại và áp mã chất thải theo nguyên tắc sau:

a) Khi hỗn hợp chất thải chỉ có một chất thải thành phần có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết được phân định là CTNH (loại có ký hiệu KS vượt ngưỡng CTNH hoặc thuộc loại ký hiệu NH) thì áp mã của chất thải này;

b) Khi hỗn hợp chất thải có hai hay nhiều chất thải thành phần có tên tương ứng trong Danh mục chi tiết được phân định là CTNH (loại có ký hiệu KS vượt ngưỡng CTNH hoặc thuộc loại ký hiệu NH) thì có thể sử dụng tất cả các mã chất thải tương ứng hoặc áp một mã chất thải đại diện theo thứ tự ưu tiên sau: Mã chất thải của CTNH thành phần có tỷ trọng lớn hơn trong hỗn hợp; khi không xác định rõ được tỷ trọng, thì áp mã của CTNH có thành phần nguy hại với giá trị ngưỡng CTNH thấp nhất;

c) Khi hỗn hợp chỉ có chất thải được phân định là CTRCNTT (loại có ký hiệu KS không vượt ngưỡng CTNH hoặc thuộc loại ký hiệu TT) thì sử dụng tất cả các mã chất thải tương ứng;

d) Cần phân biệt hỗn hợp chất thải với chất thải có thành phần nguy hại bám dính hoặc hỗn hợp chất thải mà các thành phần đã được hoà trộn với nhau một cách tương đối đồng nhất về tính chất hoá-lý tại mọi điểm trong khối hỗn hợp chất thải theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH.

Bước 6: Một chất thải được áp các mã chất thải từ 19 12 01 đến 19 12 05 trong trường hợp sau:

- Phát sinh từ một nguồn thải, dòng thải khác với các nguồn hoặc dòng thải có nhóm mã từ 01 01 đến 19 11;

- Không xác định được nguồn phát sinh.

Ví dụ: Cơ sở phát sinh giẻ lau dính dầu nhớt, hóa chất, muốn tra cứu mã

•  Bước 1: Tra cứu tại mục B (Danh mục nhóm chất thải được phân loại theo các nhóm nguồn hoặc dòng thải chính), xác định được giẻ lau thuộc nhóm nguồn số 18. Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ.

•  Bước 2: Tra cứu tại mục C để tìm đến nhóm số 18.

•  Bước 3: Xác định trong nhóm số 18, giẻ lau thuộc phân nhóm 18 02 - Chất hấp thụ, vật liệu lọc, giẻ lau và vải bảo vệ thải.

•  Bước 4: Xác định mã CTNH đầy đủ và tên gọi đầy đủ của chất thải là: 18 02 01 - Chất hấp thụ, vật liệu lọc (bao gồm cả vật liệu lọc dầu chưa nêu tại các mã khác), giẻ lau, vải bảo vệ thải bị nhiễm các thành phần nguy hại

chất thải nguy hại

Ảnh: Chất thải nguy hại: Giẻ lau dính dầu nhớt

Quy định áp dụng cụ thể đối với một số trường hợp đặc biệt thường gặp trong thực tế căn cứ ngưỡng chất thải nguy hại:

- Hỗn hợp kim loại (hoặc nhựa) lẫn dầu mỡ (ví dụ mã 07 03 11): Kim loại (hoặc nhựa) không phải là CTNH còn dầu mỡ thải (trừ dầu mỡ thực phẩm) là CTNH (ký hiệu là NH), do vậy, đây là hỗn hợp CTNH. Trường hợp hỗn hợp này được tách riêng ra, còn lại kim loại (hoặc nhựa) tương đối sạch, chỉ bám dính lượng dầu mỡ không đáng kể đến mức không có nguy cơ bị rò rỉ hoặc chảy ra môi trường trong quá trình lưu giữ, thu gom và vận chuyển (ví dụ dầu bảo quản) thì không bị coi là CTNH (bảo đảm thành phần dầu bám dính có hàm lượng tuyệt đối nhỏ hơn ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH).

- Các phương tiện, thiết bị thải (ví dụ phương tiện giao thông, thiết bị điện, điện tử...): Nếu có bất kỳ một bộ phận hoặc vật liệu cấu thành là CTNH thì phải coi toàn bộ phương tiện hoặc thiết bị đó là CTNH, trừ khi bộ phận hoặc vật liệu này được tách riêng ra.

- Thiết bị điện, điện tử (ví dụ máy biến thế, tụ điện...) thải: Chỉ được phân loại, áp mã theo loại chất thải có Polychlorinated biphenyls (PCB) khi có hàm lượng tuyệt đối của PCB trong ít nhất một chất thải thành phần (bộ phận hoặc vật liệu cấu thành, ví dụ dầu cách điện) vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH.

- Dầu, hoá chất hoặc dung môi thải: Chỉ được phân loại, áp mã theo loại chất thải có gốc halogen hữu cơ hoặc có thành phần halogen hữu cơ (đặc biệt là cơ clo như PCB) nếu hàm lượng tuyệt đối của ít nhất một thành phần halogen hữu cơ vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH.

- Các vật liệu amiăng xi măng thải (như tấm lợp đã qua sử dụng): Không phải là CTNH, trừ trường hợp có lẫn hoặc có các thành phần nguy hại khác vượt ngưỡng CTNH, được phép chôn lấp tại bãi chôn lấp chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và xây dựng.

- Tên gọi “dầu thải” hoặc “hoá chất thải” được áp dụng khi thành phần dầu hoặc hóa chất chiếm tỷ trọng ưu thế trong chất thải (lớn hơn hoặc bằng 50%); tên gọi chất thải có hoặc lẫn dầu hoặc chất thải có hoặc lẫn một hoá chất nhất định được áp dụng khi thành phần dầu hoặc hóa chất chiếm tỷ trọng kém ưu thế hơn so với các thành phần khác trong chất thải (nhỏ hơn 50%).

- Các loại chất thải có nguồn gốc động vật, thực vật, thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp (như: dầu, mỡ, bơ, sáp của động, thực vật; vỏ hạt điều; quả chanh…), vôi thải hoặc chất thải rắn thông thường, phế liệu có lẫn các chất thải này: không phải là CTNH trừ trường hợp nhiễm thêm các thành phần, tính chất nguy hại khác vượt ngưỡng CTNH ngoài thành phần, tính chất tự nhiên sẵn có.

Nguồn: Môi trường Á Châu
 

Bài viết hữu ích?
5/5
(1 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc