Các khu công nghiệp phải xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung

Thứ 4, 02/06/2021, 08:46 GMT+7

 

251/280 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Cử tri thành phố Cần Thơ phản ánh: hiện nay, trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp ở một số nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị sớm có giải pháp đảm bảo 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ TN&MT cho rằng, hiện nay, trên phạm vi cả nước có 251/280 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 36/57 địa phương đã đạt tỷ lệ 100%. Việc đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục phục vụ việc theo dõi, giám sát, cảnh báo về môi trường được các địa phương, chủ đầu tư hạ tầng hết sức quan tâm, với 219/250 (87,6%) khu công nghiệp đã thực hiện.

Trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, bổ sung các yêu cầu về bảo vệ môi trường khu công nghiệp trong công tác kiểm soát chất lượng môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Kết quả triển khai trong thực tế của các chính sách nêu trên đã chấm dứt hiện tượng các khu công nghiệp mới chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung được thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Vì vậy, để tiến tới mục tiêu 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần phải tập trung giải quyết tại các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đây là trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong việc tăng cường thu hút đầu tư tư nhân hay bố trí các nguồn ngân sách đầu tư để đạt mục tiêu nêu trên.  Tuy nhiên, đây cũng là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo công tác hạ tầng công nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường để đón các cơ hội đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu nêu trên và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung và quản lý môi trường các khu công nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020, trong đó yêu cầu các khu công nghiệp khi đi vào vận hành bắt buộc phải có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải bao gồm: Hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải; Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đặc biệt, Luật cũng quy định chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung và yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Các khu công nghiệp phải xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung

Rà soát, xử lý để 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các giải pháp theo hướng: Rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp phải xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; có lộ trình yêu cầu các khu công nghiệp chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung phải đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định;

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường năng lực quản trị môi trường trong các khu công nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng các cơ chế, chính sách tạo nền tảng pháp lý cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và đặc thù của chất thải, ô nhiễm môi trường của Việt Nam.

Nguồn: https://monre.gov.vn/

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc