Ngay từ đầu mùa mưa lũ,Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã có văn bản đề nghị, hướng dẫn kịp thời và cụ thể về việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở TN&MT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai các hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương trong trường hợp có mưa bão bất thường xảy ra.
Bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến môi trường trong và sau mỗi đợt mưa lũ, không để xảy ra sự cố môi trường tại đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm và sự cố môi trường cao, như: nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản, trang trại chăn nuôi tập trung, chợ, bãi rác, bệnh viện..., nhất là cơ sở sản xuất có công trình hồ chứa chất thải phải thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao, bảo đảm an toàn; cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân; ổn định đời sống của người dân tại các địa phương sau lũ lụt...
Nhiều địa phương ở Quảng Bình nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường khi nước lũ rút.
Sở cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu phương án xử lý môi trường trong và sau mỗi đợt mưa lũ... Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo để Sở TN&MT có phương án hỗ trợ xử lý, giải quyết.
Trong tháng 10, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu thiệt hại liên tiếp 5 trận lũ lụt và cơn bão số 9 hoành hành. Theo số liệu thống kê của tỉnh Quảng Trị, các đợt mưa bão vừa qua đã khiến trên địa bàn có 98/124 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt chia cắt. Saukhi nước lũ rút đi, các bể chứa và giếng nước của người dân đều bị đục ngàu, ô nghiễm nghiêm trọng. Người dân Quảng Trị gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt. Nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước hạn chế các dịch bệnh có thể xảy ra, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực triển khai tập trung xử lý nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân.Tỉnh đã cấp 5 tấn Chloramin B, 15.000.000 viên khử nước Aquatabs, 20.000 lít hóa chất Benkocid, 30.000 lít Han-Iodine, 30.000 lít Vetvaco-Iodine, 50 tấn Chlorine 65%... cho các địa phương để xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường.
Bão số 9 đi qua, hàng tấn rác thải theo nước lũ từ thượng nguồn Thu Bồn trôi về sông Hoài rồi tấp lên bờ. Do đó, ngay khi nước rút, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vận động người dân triển khai thu gom rác trên song.
Ở các địa phương trung du, do rác thải phát sinh khá lớn, nếu chính quyền không quan tâm ký hợp đồng thu gom với đơn vị công ích thì sẽ không được vận chuyển rác. Những ngày đầu sau bão, công ty vận chuyển khoảng 1.500m3 rác thải/ngày, hiện nay khối lượng thu gom, xử lý ít hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 9475/UBND-GD yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ các trường học trên địa bàn còn ngập nước, hư hỏng do lụt bão để thu gom xử lý rác thải tồn đọng, vệ sinh môi trường tại trường, lớp học, khắc phục các hư hỏng cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, kịp thời cho học sinh đi học trở lại ngay sau khi nước rút.