Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo ba nhóm nhiệm vụ chính nhằm quản lý chất thải rắn thống nhất trên toàn quốc

Thứ 4, 20/02/2019, 06:40 GMT+7

Tại Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.​​​​

Với tinh thần nghiêm túc triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/2,​ Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, một số nhiệm vụ phải thực hiện ngay trong quý I của năm 2019, đó là:

- Giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng lại các văn bản pháp luật có liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Theo đó, những vấn đề không mâu thuẫn với luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ như các quy định về phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trong việc quản lý chất thải rắn thì sẽ làm tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Nghị định sửa đổi các Nghị định thi hành Luật Bảo vệ môi trường; một số vấn đề vướng mắc về luật, không thể đưa vào Nghị định nêu trên như cơ chế, chính sáchvề tài chính, xã hội hóa, phí, lệ phí, thuế,...thì cần chuẩn bị ngay Đề án trình Chính phủ báo cáo Quốc hội nhằm ban hành Nghị quyết của Quốc Hội sửa đổi một số các bất cập để có thể thực hiện ngay trong năm nay, về lâu dài vẫn phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014.

- Giao Tổng cục Môi trường tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; đánh giá tình trạng định mức, đơn giá, cơ chế, chính sách phí, giá hiện nay; đánh giá các loại công nghệ xử lý chất thải rắn theo đặc thù chất thải, vùng, miền để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hànhtiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, danh mục công nghệ, tiêu chí lựa chọn công nghệ tốt nhất,... Đây chính là công cụ hiệu quả, linh hồn của công tác quản lý chất thải. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai cần mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp có công nghệ xử lý chất thải tốt nhất.

- Tổng cục Môi trường cần khẩn trương xây dựng và trong tháng 6 năm 2019 phải trình Quy hoạch về bảo vệ môi trường. Theo đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường phải lồng ghép với quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, quy hoạch các cơ sở hạ tầng để thu gom, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và các vấn đề môi trường khác.

Ngoài ra, để triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 09/NQ-CP nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế của Bộ chủ động phối hợp với Tổng cục Môi trường để rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, nghành và địa phương trong việc quản lý chất thải rắn. Từ đó đề xuất mô hình tổ chức, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ để khi triển khai không bị chồng chéo; Tổng cục Môi trường cần nghiên cứu lồng ghép trong quản lý chất thải rắn để trình ban hành các quy định hạn chế, tiến tới cấm sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, yêu cầu các siêu thị phải sử dụng túi nilong có khả năng tự phân hủy...

Nguồn: http://vea.gov.vn

Ý kiến bạn đọc