Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về việc xử lý rác thải, giải quyết tranh chấp khiếu kiện về đất đai và vấn đề bảo vệ rừng

Thứ 2, 16/11/2020, 06:09 GMT+7

Coi rác là tài nguyên vừa tránh lãng phí vừa giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, về giải pháp để thay thế cho việc chôn lấp rác thải hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, về vấn đề thách thức do ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là chất thải sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/0219 đã có Nghị quyết 09 giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thống nhất quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày có 35.000 tấn chất thải rắn đô thị và khoảng 28.400 tấn chất thải nông thôn. Hiện nay, chúng ta có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân compost, chủ yếu hiện nay gần 1.000 bãi chôn lấp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù đã bước đầu cải thiện là tăng mức thu gom đến 92% và 66%, tức là tăng khoảng từ 6% ở đô thị đến 15% ở nông thôn nhưng việc chôn lấp rác vừa rất ô nhiễm, ô nhiễm tài nguyên nước vừa lãng phí, cạn kiệt tài nguyên. Bởi rác chưa được coi là tài nguyên, chưa tiến hành tái chế và công nghệ thì chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa dổi) đã định chế rất rõ ràng:

  • Một là ngay từ đầu tư hạ tầng xây dựng thì phải tính toán đến quy hoạch các bãi rác và các điểm trung chuyển rác.
  • Hai là coi rác là tài nguyên và khuyến khích việc người dân sẽ phân loại rác và có chính sách khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác. Hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo và đã huy động được một lực lượng liên minh các doanh nghiệp tham gia vào liên minh về tái chế rác, đặc biệt là rác nhựa. Cùng với đó, là chính sách kinh tế về rác, xác định trách nhiệm của người gây ô nhiễm thì phải trả tiền và việc này đã có quy định ở trong luật.
  • Ba là xác định người dân sẽ tham gia vào công tác phân loại.
  • Bốn là Nhà nước sẽ hỗ trợ phần kể cả thu gom, kể cả phần xử lý, bên cạnh đóng góp của người dân ban đầu.
  • Cuối cùng là xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ cũng như xác định các việc xử lý rác là một dịch vụ sẽ tiến hành đấu giá.

6.11_c_-_ky_10_-_chat_van_-_tnmt_tran_hong_ha

Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn 


Nhấn mạnh đây là điểm tiến bộ của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng khi được thông qua sẽ góp phần cải thiện tình hình.

Hoàn thiện các quy định về kinh tế đất đai và định giá đất góp phần giải quyết nguyên nhân sâu xa của tranh chấp, khiếu kiện đất đai

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Xuân Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, về tình hình thực hiện việc giải quyết dứt điểm, kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết vấn đề khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc trong một thời kỳ khá dài. Hiện nay chỉ số liên quan đến bức xúc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn ở con số cao nhất, khoảng trên 60%. Nhằm giải quyết vấn đề này, thời gian qua Bộ đã triển khai nhiều biện pháp.

Thứ nhất, thông qua Luật Đất đai 2013 đã quy định về quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai hết sức bài bản. Các vụ kiện cáo đông người và phức tạp chủ yếu tồn tại từ giai đoạn trước của luật, trước năm 2003, tức là Luật 2003 trở đi, liên quan đến vấn đề định giá, liên quan đến các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư chưa đáp ứng thỏa đáng. Nhóm này tập trung vào khu vực mà Nhà nước thu đất đai để thực hiện các công trình kinh tế - xã hội, dân sinh. Mặc dù luật năm 2003 còn nhiều tồn tại nhưng hiện nay đã giải quyết giảm đi khoảng trên 30-40% khiếu nại, chủ yếu là giải quyết khiếu nại trước 2003.

Còn từ 2013 đến nay một bộ phận giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai nông, lâm trường là do vấn đề cơ sở dữ liệu, các tài liệu, vấn đề quản lý lỏng lẻo các công ty nông, lâm trường, liên quan đến lợi ích của những công trường viên, nông trường viên, những người trước đây có quỹ đất đai cùng đóng góp tham gia. Giải quyết vấn đề này hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định thông qua nghị quyết, cũng như nghị định của Chính phủ đang từng bước để giải quyết thông qua việc xác lập lại cơ sở liệu, xem xét để thay đổi cơ cấu tổ chức của các nông, lâm trường này hiệu quả, đồng thời xem xét những khu vực tranh chấp để giải quyết triệt để.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về sâu xa, lâu dài cần phải xem xét hoàn thiện các quy định luật liên quan đến kinh tế đất đai và vấn đề định giá đất đai. Nếu xác định được định giá đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cách minh bạch, đồng thời giải quyết thỏa đáng vấn đề đầu tư để nhà nước quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng và chuẩn bị đất sạch thì khi đó sẽ có kinh phí và chuẩn bị thật tốt khâu tái định cư, lo sinh kế cho người dân và khi giá đất đai công khai thì người dân đều hiểu và sẽ ủng hộ. Trên cơ sở này thì dự án Nhà nước thu hồi hay dự án tư nhân thu hồi cũng đều đảm bảo một sự công bằng, thỏa đáng.

Trong giai đoạn tới, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải đưa vào Luật Đất đai mới quy định về cơ sở dữ liệu để giám sát được thị trường cũng như là những phương pháp định giá trên cơ sở thị trường thông qua các sàn giao dịch và đảm bảo công khai giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

Hậu quả là do con người khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên

Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở ở miền Trung những ngày qua mà do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Và theo Bộ trưởng, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, mình không nói rằng thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân, mà muốn nói con người là nguyên nhân khi quyết định thủy điện mà thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, vấn đề ở đây thủy điện không phải là nguyên nhân mà thủy điện là hậu quả do việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên. Việc này chúng ta có thể khắc phục được.

Về tầm quan trọng của rừng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng rừng còn quan trọng hơn cả trời, bởi rừng lọc khí CO2 và tạo khí ôxy. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên và cung cấp cho cuộc sống con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta và trong chiến tranh thì rừng che bộ đội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện. Mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Thủy điện cũng không phải là nguyên nhân chính gây ra mất rừng. Mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng bằng những cánh rừng sản xuất bình thường, như cây cà phê. Khi không phù hợp với hệ sinh thái đó thì hệ sinh thái rừng nông nghiệp hoặc lâm nghiệp cũng không có giá trị. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải hiểu nguyên nhân mất rừng còn rất nhiều nguyên nhân khác và phải quản lý.

Từ góc độ này, với tư cách là người làm quản lý môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Sắp tới, đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con ng ười thì phải phục hồi lại rừng; phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất là rừng tự nhiên.

VEA

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc