Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, Bộ TN&MT phân công công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung của Đề án.
Kế hoạch cũng có các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt và thải bỏ chất thải nhựa.
Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT triển khai 3 nội dung lớn. Đó là: Rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa; Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường
Nhựa từ vỏ chai PET (nguồn: Môi Trường Á Châu)
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021 nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa….
Đề án phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT