Để triển khai quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), Bộ TN&MT đang khẩn trương soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các loại sản phẩm, bao bì và Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vừa được Bộ TN&MT phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về EPR. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai loại trách nhiệm là trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT
Với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Riêng đối với trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh, việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế hay hỗ trợ xử lý chất thải phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng mục đích. Nguyên tắc này cũng được quy định rõ tại dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải đang được Bộ TN&MT xây dựng.
Trình bày rõ hơn về Thông tư này, ông Nguyễn Thi, Chuyên viên Vụ Pháp chế cho biết, theo dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các hoạt động thu gom, phân loại sản phẩm, bao bì phục vụ tái chế và hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài ra, các hoạt động xử lý chất thải như thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; các sáng chế, công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt được công nhận sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Trong khi đó, định mức chi phí tái chế (Fs) là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Toàn cảnh Hội thảo
Định mức này đang được Bộ TN&MT xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam là chủ yếu tập trung vào chi phí tái chế cơ bản. Hai tiếp cận xây dựng định mức chi phí tái chế được giới thiệu gồm: Xác định Fs thông qua chi phí tái chế cơ bản của vật liệu và xác định Fs thông qua chi phí tái chế cơ bản và các hệ số điều chỉnh.
Cũng tại Hội thảo, đại diện nhóm soạn thảo của Bộ TN&MT đã giới thiệu, giải đáp nhiều thắc mắc, câu hỏi cụ thể của các hiệp hội, doanh nghiệp trong thực hiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các Quyết định và Thông tư trên.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT