Bổ sung, hoàn thiện quy định về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường

Thứ 5, 19/07/2018, 03:15 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai xây dựng Đề án kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường và sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó sẽ đưa ra các công cụ quản lý, kiểm soát chặt chẽ như: quy định chi tiết nội dung báo cáo ĐTM; phương án bảo vệ môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; xây dựng hồ kiểm chứng nước thải; quan trắc tự động đối với khí thải, nước thải,... đối với 16 loại hình có nguy cơ gây sự cố môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về một số nội dung liên quan đến nguy cơ ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường và trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong ứng phó sự cố môi trường khi xảy ra.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có các quy định cụ thể về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường (cụ thể tại các Điều 108, 109, 110, 111, 112). Theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch  bảo vệ môi trường (BVMT), đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Thông tư số 26/2015/TT-BTNTM ngày 28/5/2015 quy định đề án BVMT chi tiết, đề án BVMT đơn giản; Thông tư số 27/2015/TT-BTNTM ngày 29/5/2015 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; các dự án phải có kế hoạch xây dựng, vận hành các công trình để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án. Các nội dung này được lồng ghép với báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đề án bảo vệ môi trường.

Về trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức, điều tra xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trên địa bàn liên tỉnh (Điều 111 Luật Bảo vệ Môi trường).

Trường hợp sự cố môi trường do thiên tai gây ra hoặc chưa xác định được nguyên nhân thì Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai xây dựng Đề án kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường và sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến đưa ra các công cụ quản lý, kiểm soát chặt chẽ như: quy định chi tiết nội dung báo cáo (ĐTM); phương án bảo vệ môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại; xây dựng hồ kiểm chứng nước thải; quan trắc tự động đối với khí thải, nước thải,... đối với 16 loại hình có nguy cơ cơ gây sự cố môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan như: Luật phòng chống thiên tai năm 2013; Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc,...

Song song với đó, Bộ đã từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình xử lý sự cố môi trường (ban hành Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc về môi trường, sự cố môi trường) đã góp phần xử lý nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy định về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; triển khai thường xuyên công tác giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro sự cố; ưu tiên tăng cường năng lực trong việc thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

>>Xem thêm: Bổ sung, hoàn thiện quy định về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường

Nguồn: http://botruong.monre.gov.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc