Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho xã viên và người lao động. Nhà nước luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện và có chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cần thiết phải có là một hệ thống chính sách phù hợp với xu thế phát triển. Đất đai là một trong các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, là một yếu tố tác động đến cơ cấu giá thành sản phẩm thì chính sách pháp luật đất đai cũng phải phù hợp với xu thế đó. Pháp luật đất đai qua các thời kỳ được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng đối với mọi đối tượng, các quy định về chính sách đất đai được áp dụng chung cho các tổ chức kinh tế, mà trong số đó có cả đối tượng là hợp tác xã.
Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng” và tiếp tục khẳng định trong văn kiện trình Đại hội XII của Đảng “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao”. Tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, để đáp ứng yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao….
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, trong thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất
Luật Đất đai 2013, với một số sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất sạch cho sản xuất, kinh doanh, trong đó có các quy định liên quan đến tài chính về đất đai, giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất (từ Điều 107 đến Điều 119 của Luật Đất đai) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất sạch thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với các dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì được Nhà nước thu hồi đất (điểm d khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai).
Hình minh hoạ đất nông nghiệp
Về cơ chế thỏa thuận
Điều 73 của Luật Đất đai quy định chủ đầu tư và người sử dụng đất tự thỏa thuận việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quy định này sẽ góp phần giảm khiếu kiện phát sinh từ cơ chế sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là từ quy định này, Luật đất đai làm rõ những trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất được bồi thường theo giá đất do Nhà nước xác định, còn những trường hợp còn lại (Nhà nước không thu hồi đất) thì người sử dụng đất được chủ đầu tư trả tiền theo giá đất do các bên thỏa thuận.
Về hạn mức dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án nông nghiệp
Pháp luật về đất đai hiện hành không giới hạn hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế. Việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là theo nhu cầu và năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung áp dụng công nghệ cao và đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã quy định theo hướng làm rõ chế độ sử dụng đất của tổ chức kinh tế trong trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp và không thay đổi mục đích sử dụng đất thì được sử dụng đất theo thời hạn của dự án quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật đất đai và không phải chuyển sang thuê đất; trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp thì phải làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, không phải chuyển sang thuê đất và thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu có nhu cầu thì được xem xét gia hạn và phải chuyển sang thuê đất theo quy định.
Về thời hạn sử dụng đất
Khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai đã quy định đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Về chế độ sử dụng đất
Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (khoản 1 Điều 172 của Luật Đất đai). Bên cạnh đó, pháp luật đất đai cũng đã quy định cụ thể đối với trường hợp các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được sử dụng đất theo thời hạn của dự án quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai và không phải chuyển sang thuê đất; trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp thì phải làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, không phải chuyển sang thuê đất và thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của dự án. Khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu có nhu cầu thì được xem xét gia hạn và phải chuyển sang thuê đất theo quy định (khoản 29 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017).
Về tài chính đất đai
Chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất được quy định đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai. Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất. Việc ưu đãi là thực chất và chỉ thực hiện ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn với mức độ miễn, giảm tiền thuê đất (thời gian) một cách hợp lý, phù hợp tránh tâm lý trông chờ, dựa vào ưu đãi của nhà nước.
Quy hoạch đất nông nghiệp
Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
Luật đất đai năm 2013 chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản liên quan đến các thủ tục hành chính, các quy định cụ thể giao cho Chính phủ quy định theo hướng phải đơn gian, thuận tiện những phải đáp ứng được yêu cầu quản lý. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia hai năm 2015 - 2016, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ đã quy định theo hướng cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện một số thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nhằm tiếp tục có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp để có cơ chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.