Ngày 07/07/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP - Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó các vấn đề vi phạm hành chính về thủ tục - quy trình - quy định và các vấn đề liên quan đến môi trường được quy định cụ thể trong văn bản. Môi Trường Á Châu tổng hợp và thông báo đến quý vị các nội dung liên quan đến Nghị Định. Mời quý vị cùng tham khảo!
1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.
2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam;
d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
e) Các đơn vị sự nghiệp;
g) Tổ hợp tác;
h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường tại Nghị định này.
1. Cảnh cáo;
2. Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức;
3. Hình thức xử phạt bổ sung quy định cụ thể trong nghị định này;
1. Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP , trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra thì áp dụng Nghị định này.
2. Quyết định và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xem xét, xác định hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này.
3. Giấy phép môi trường thành phần đã được cấp theo quy định của pháp luật là văn bản tương đương với giấy phép môi trường khi xem xét, xác định hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này.
4. Kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định của pháp luật là văn bản tương đương khi xem xét, xác định hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này:
a) Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh;
b) Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Đề án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung theo quy định của pháp luật là văn bản tương đương với phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi xem xét, xác định hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 8 năm 2022.
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nguồn: Môi Trường Á Châu