Ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp

Thứ 5, 05/11/2020, 02:28 GMT+7

Hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ( BVMT) nói chung và BVMT trong các KCN đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất, trong đó có một số văn bản quan trọng sau: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Tài nguyên nước 2012...

Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 54 Thông tư và Thông tư liên tịch, 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) có liên quan trực tiếp và là công cụ để quản lý và kiểm soát ô nhiễm KCN. Đặc biệt kể đến Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Bên cạnh đó, Chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT KCN. Trong đó có 11 văn bản của Tỉnh ủy, 51 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố, 212 Quyết định và 42 Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Có 29 địa phương[1] ban hành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với khu kinh tế và KCN, có 16 quy chuẩn địa phương[2] và một số địa phương khác cũng đang trong quá trình xây dựng[3].

Việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác BVMT đã theo hướng đồng bộ và toàn diện hơn, đồng thời tiệm cận và tương thích hơn với các thông lệ quốc tế và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, góp phần thu hút đầu tư vào các KCN ngày càng tăng, bổ sung nguồn lực quan trọng từ bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác.

 


[1]Cao Bằng; Lào Cai; Phú Thọ; Bắc Giang; Hòa Bình; Điện Biên; Quảng Ninh; Hưn Yên; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Thái Bình; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Phú Yên; Ninh Thuận; Bình Thuận; Đắk Nông; Kon Tum; Đồng Nai; Bình Dương; Bình Phước; Bến Tre; Trà Vinh; Hậu Giang; Sóc Trăng; An Giang; Đồng Tháp; Bạc Liêu; Cà Mau.

[2]Thành phố Hà Nội đã ban hành 05 QCKT về chất thải theo quy định tại Luật Thủ đô 2012; UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 02 QCKT địa phương (nước thải sinh hoạt và công nghiệp); UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 01 QCKT môi trường đối với nước thải; UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 06 QCKT về chất thải; UBND tỉnh Ninh Bình ban hành 02 QCKT về chất thải,

[3]Các tỉnh: Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tây Ninh, Trà Vinh.

 

Ý kiến bạn đọc