Australia đưa ra kế hoạch nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải hữu cơ

Thứ 4, 14/06/2023, 08:26 GMT+7

Australia ra kế hoạch hành động “chính sách chất thải quốc gia” nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải hữu cơ từ 47% lên 80% vào năm 2030 và giảm một nửa số lượng chất thải này được đưa đến bãi chôn lấp.

Hơn một nửa số rác thải sinh hoạt ở Australia là chất hữu cơ từ thực phẩm và chất hữu cơ trong vườn đến từ các hộ gia đình, được gọi là FOGO. Chúng chiếm phần lớn diện tích tại các bãi chôn lấp và khi thối rữa, chúng sẽ thải ra khí nhà kính nguy hiểm. Chính vì vậy, Chính phủ Australia đã đưa ra kế hoạch hành động “chính sách chất thải quốc gia” nhằm tăng tỷ lệ tái chế chất thải hữu cơ từ 47% lên 80% vào năm 2030 và giảm một nửa số lượng chất thải này được đưa đến các bãi chôn lấp.

Chất thải hữu cơ

Hơn một nửa số rác thải sinh hoạt ở Australia là chất hữu cơ từ thực phẩm và chất hữu cơ trong vườn đến từ các hộ gia đình, được gọi là FOGO

Theo kế hoạch trên, chất thải thực phẩm và chất thải trong vườn có thể được thu giữ và biến thành phân hữu cơ. Chính phủ liên bang đã dành riêng một quỹ để xây dựng các cơ sở ủ phân mới và hỗ trợ các dự án tái chế chất hữu cơ trong vườn và thực phẩm khác. Trong khi đó, chính quyền bang Nam Australia đã đầu tư vào các thử nghiệm về thu gom rác xanh hàng tuần và thu gom rác 2 tuần một lần.

Việc tái chế chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ chất lượng cao là giải pháp “đôi bên cùng có lợi” đối với con người và hành tinh bởi chúng có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng và năng suất của đất.

Ước tính có khoảng 116 tỷ tấn carbon hữu cơ trên toàn cầu đã bị mất đi từ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, phân hữu cơ có thể phục hồi carbon hữu cơ cho đất, cải thiện cấu trúc đất và giữ nước.

Phân hữu cơ có khả năng khôi phục 19,5 tỷ tấn carbon trong lớp đất mặt của đất trồng trọt, tương đương với 26,5% trữ lượng carbon hữu cơ của lớp đất mặt hiện tại ở 20cm trên cùng. Đây cũng là một nguồn dinh dưỡng thiết yếu làm giảm nhu cầu về phân bón đắt tiền. Quá trình ủ phân giúp thu và lưu trữ carbon trong đất thay vì giải phóng nó dưới dạng carbon dioxide (CO₂) vào khí quyển.

Tại Australia, việc tái chế chất hữu cơ - bao gồm cả chất hữu cơ từ thực phẩm và chất hữu cơ trong vườn, chất rắn sinh học và chất thải từ cây cối, giúp giảm ước tính 3,8 triệu tấn khí CO₂ đi vào bầu khí quyển mỗi năm. Điều đó tương đương với việc trồng 5,7 triệu cây xanh hoặc loại bỏ 877.000 ôtô trên đường.

Các nhà nghiên cứu của Australia ước tính việc áp dụng chiến lược này trên toàn cầu có khả năng giúp tăng sản lượng các loại ngũ cốc lên 96,3 triệu tấn mỗi năm. Con số này chiếm 4% sản lượng toàn cầu hiện tại và gấp đôi sản lượng thu hoạch ngũ cốc hàng năm của Australia. Tại Australia, tỷ lệ rác thải thực phẩm và rác thải trong vườn đang tăng với tốc độ nhanh gấp 6 lần so với dân số Australia và nhanh hơn 2,5 lần so với GDP.

Tuy nhiên, chưa đến 1/3 số hộ gia đình ở Australia được tiếp cận với các dịch vụ thu gom rác thải thực phẩm. Chính vì vậy, việc thu gom và tái chế chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ chất lượng cao là điều rất cần thiết và đúng đắn, có thể giúp chính quyền các bang tiết kiệm tới 4,2 triệu AUD mỗi năm tiền thuế chôn lấp

Nguồn: www.vpas.vn

Xem thêm: 

1. Nhân rộng mô hình phân loại rác thải hữu cơ tại Xã Duyên Thái, Huyện Thường Tín!

2. Hà Nam: Hướng dẫn các phương pháp xử lý rác hữu cơ

Ý kiến bạn đọc