6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện giảm phát thải khí metan

Thứ 5, 16/03/2023, 08:31 GMT+7

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí metan, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải khí metan năm 2020.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện giảm phát thải khí metan

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Kế hoạch của Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030.

6 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra:

  • Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách;
  • Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải;
  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
  • Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức;
  • Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực;
  • Giám sát, đánh giá.

Từ nay đến năm 2030, Bộ TN&MT chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Bộ TN&MT đề ra hàng loạt các biện pháp giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải. Thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải khí metan thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng; đồng thời hướng dẫn xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình mới giảm phát thải khí metan phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và năng lực quản lý chất thải của địa phương.

Bộ TN&MT sẽ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải nhằm giảm phát sinh khí metan; Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kiểm kê, giám sát, đánh giá dự báo phát thải; thu hồi, sử dụng hiệu quả khí mêtan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Bộ TN&MT đánh giá tầm quan trong của việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa giảm thiểu phát sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường; hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Bộ chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; đồng thời, thực hiện đánh giá mức phát thải khí metan hằng năm trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí metan trên phạm vi toàn quốc.

Bộ TN&MT tính đến để triển khai việc xây dựng và thực hiện quy định về kiểm kê khí mê-tan bậc cao nhất theo hướng dẫn của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đối với các nguồn phát thải khí metan chính; Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng quy định pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ cacbon; hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ cacbon thu được từ giảm phát thải khí metan.

Bộ TN&MT sẽ phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong việc giảm phát thải khí mê-tan; nghiên cứu việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát phát thải, thu hồi, sử dụng khí metan.

Từ nay đến 2023, Bộ sẽ hoàn thiện và thực hiện các quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giảm phát thải khí metan, đảm bảo tính minh bạch về kết quả thực hiện Kế hoạch, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu.

Bộ còn xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan; đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí metan.

Về thu hút nguồn lực, Bộ tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực là một nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch mà Bộ TN&MT đặt ra.

Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tiến hành các biện pháp nhằm thu hút nguồn lực quốc tế và tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia, tổ chức quốc tế về xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện giảm phát thải khí metan; Triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực phục vụ giảm phát thải khí metan.

Bộ sẽ thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Trên bình diện quốc tế, Bộ TN&MT ủng hộ các sáng kiến quốc tế hiện có về giảm phát thải khí metan; vận động các quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu theo quy định của Cam kết.

Để kế hoạch được triển khai có hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, Bộ TN&MT xác định cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức.

Theo đó, Bộ TN&MT sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí metan; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng.

Một mạng lưới trao đổi thông tin được thiết lập nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí metan giữa các địa phương, lĩnh vực.

Nguồn: Tạp chí điện tử sinh thái nông nghiệp
 

Ý kiến bạn đọc