Theo đánh giá, nước ta cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, với tổng trữ lượng nước ngọt khoảng 189,3 triệu m3 /ngày đêm, trong đó trữ lượng có thể khai thác khoảng 61,2 triệu m3 /ngày đêm. Tuy nhiên nước dưới đất phân bố không đều, chỉ có thể tập trung khai thác chủ yếu tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Hiện nay, tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất trên cả nước khoảng 10,5 triệu m3 /ngày đêm, chiếm khoảng 17,2% trữ lượng có thể khai thác, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt tại các đô thị, sinh hoạt nông thôn và cấp nước cho sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp…, ngoài ra một số vùng còn khai thác để tưới cà phê, cây công nghiệp (Tây Nguyên) hoặc nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát (một số tỉnh ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau…).
Theo số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay, nguồn nước dưới đất ở nước ta đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng: mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tại một số đô thị (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố: Cà Mau, Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột…) tập trung khai thác nguồn nước dưới đất. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước (vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng ven biển miền Trung); và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long).
Hình minh hoạ nước ngầm đô thị
Về pháp lý, hệ thống pháp luật của chúng ta có những quy định khá đầy đủ liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất, tuy nhiên việc triển khai, thực thi ở các địa phương còn tương đối hạn chế. Ngay từ Luật tài nguyên nước năm 1998, vấn đề bảo vệ nước dưới đất đã được chú trọng, Bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất (Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT về trám lấp giếng khoan không sử dụng; Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất). Sau khi Luật tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội thông qua, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất (Thông tư số 74/2017/TTBTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất…) hoặc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất với mục đích hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất… vừa bảo đảm việc bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời bảo đảm việc khai thác hợp lý, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khai thác nước dưới đất.