2025: Đưa công nghiệp môi trường trở thành ngành kinh tế quan trọng

Thứ 7, 18/02/2017, 00:32 GMT+7

Đó là mục tiêu của Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án phấn đấu phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Đồng thời, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Một trong những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp môi trường mà Đề án hướng tới là xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ trong xử lý môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường...

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(*) Theo Điều 3 của Luật bảo vệ môi trường 2014 giải thích, Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc