Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
"Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong xây dựng nông thôn mới theo hướng xã hội hoá" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì Hội nghị.
Đề án thí điểm về hoàn thiện, nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 712) đã huy động được nguồn lực xã hội hóa về BVMT nông thôn theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, hợp tác xã... trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành các mô hình BVMT. Trong phạm vi Đề án 712, đã có 29 dự án thí điểm thuộc 5 nhóm nội dung khác nhau đã được thực hiện theo cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp, tín dụng, vay ưu đãi... bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Thông qua việc thực hiện Đề án 712, công tác BVMT nông thôn đã và đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, trong đoạn 2016-2020, có 21 tỉnh đăng ký sử dụng nguồn vốn dự phòng cho thực hiện Đề án 712 với tổng số tiền 123,83 tỉ đồng từ nguồn dự phòng, để thực hiện 32 dự án thí điểm, gồm: 9 dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 3 dự án xử lý chất thải chăn nuôi; 5 dự án về thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; 8 dự án cấp nước sinh hoạt tập trung; 7 tỉnh triển khai dự án về cấp nước uống sinh hoạt cho xã đảo.
Qua gần 3 năm thực hiện Đề án 712, các đơn vị được phân công đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện. Các nội dung cơ bản đều đã được triển khai thực hiện và bước đầu có những kết quả nhất định; việc rà soát, khảo sát, đánh giá mô hình hiện có thực hiện bám sát theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, từ việc triển khai thực hiện Đề án 712 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn về công tác BVMT.
Cùng với đó, công tác BVMT trong xây dựng NTM đã được thể chế hoá trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung thực hiện tiêu chí môi trường trong giai đoạn 2021-2025. Nhiều địa phương đã tham gia tích cực vào việc thực hiện các nội dung của Đề án; đã chấn chỉnh lại công tác thu gom và xử lý chất thải, tạo nên phong trào BVMT rộng khắp. Sự vào cuộc của các Bộ, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công cùng với sự quan tâm hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, trong thời gian qua, công tác quản lý các nguồn thải, cơ sở phát sinh chất thải đã được củng cố toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nền tảng cho công tác kiểm soát nguồn thải và ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm; công tác thu gom, phân loại xử lý chất thải rắn sinh hoạt được các địa phương triển khai thực hiện; hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường được thực hiện tại nhiều địa phương và thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy việc thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường đối với cấp xã và Tiêu chí số 7 về môi trường đối với cấp huyện còn bộc lộ bất cập, thiếu các công cụ kỹ thuật và các biện pháp khoa học, công nghệ phù hợp trong hoạt động xử lý chất thải; thiếu nguồn lực đầu tư….
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác BVMT nông thôn, ông Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục rà soát, đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng về BVMT cho khu vực nông thôn, bao gồm: hệ thống thu gom, thoát và xử lý nước thải; các điểm tập kết phân loại chất thải rắn và hạ tầng BVMT cho các khu sản xuất, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, nghĩa trang.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh của Nhân dân trong công tác BVMT, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh- sạch- đẹp- an toàn; phát triển du lịch, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nhằm mục đích quay vòng tái đầu tư cho môi trường; đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các mô hình công nghệ tiên tiến và các biện pháp kỹ thuật phù hợp trong xử lý chất thải và BVMT, biến chất thải thành tài nguyên cho nền kinh tế xanh và xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng định mức đơn giá phù hợp cho thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh; trợ giá cho những sản phẩm hàng hoá được thu hồi từ chất thải hữu cơ, chính sách vay vốn ưu đãi tạo điều kiện thu hút các chủ đầu tư vào địa bàn nông thôn...