[Quốc hội khoá XIV] – Bộ Trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy

Thứ 2, 05/11/2018, 07:18 GMT+7

quoc_hoi_khoa_14

Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra xuyên suốt từ sáng 30/10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1/11. Bên dưới là một số vấn đề môi trường được đưa ra chất vấn Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tin liên quan: 

[Quốc hội khoá XIV] – Bộ Trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề

Môi Trường Á Châu trân trọng trích đăng gửi đến tất cả Quý vị cùng theo dõi.

[Câu hỏi chất vấn từ đại biểu Trần Tất Thế - Hà Nam]

Kính thưa Quốc hội,

Là người đầu tiên chất vấn, tôi xin kính chúc Chủ tọa kỳ họp sức khỏe, chúc các Bộ trưởng trả lời các câu hỏi của đại biểu, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Tôi xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường một câu hỏi.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng về giải pháp của Bộ trưởng trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy được Bộ trưởng trả lời và hứa giải quyết, phấn đấu sau 5 năm sẽ trở lại màu xanh trong cho dòng sông. Qua giám sát của đại biểu và ý kiến của cử tri Hà Nam kiến nghị, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ vẫn chưa được khắc phục. Tình trạng xả thải từ Hà Nội vẫn chưa được giải quyết, khắc phục một cách hiệu quả. Xin Bộ trưởng cho biết về quan điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy như thế nào? Có quyết tâm thực hiện không? Lý do tại sao chưa được giải quyết? Thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp khắc phục như thế nào? Xin cảm ơn Bộ trưởng.

[Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ông Trần Hồng Hà trả lời]

Kính thưa Chủ tọa cuộc họp,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc,

Kính thưa các đại biểu Quốc hội,

Trước tiên, tôi xin cảm ơn đại biểu Trần Tất Thế đoàn Hà Nam đã đặt cho tôi câu hỏi mà tại kỳ họp thứ 3 đại biểu đã chất vấn. Trước tiên, mong muốn của đại biểu nhân dân và tôi đúng là làm sao để việc giải quyết môi trường của các sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch sớm được cải thiện tốt nhất. Tất nhiên, thời gian tôi nói là sau 5 năm để những dòng sông này trở lại như xưa, xanh, đẹp thì tôi nói có những điều kiện:

Trước hết, về quan điểm để xử lý, tôi xin nhắc lại lần trước tôi cũng đã nêu là để xử lý môi trường các dòng sông, đặc biệt là các dòng sông liên tỉnh thì quan điểm là phải xử lý tại nguồn, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý.

Trên thực tế, theo các thống kê thì vấn đề ô nhiễm của các dòng sông này có liên quan đến các địa phương, đặc biệt là các địa phương như là Hà Nội, nguồn nước chưa xử lý là nguồn nước sinh hoạt, rồi từ Hòa Bình chảy về Hà Nam thì như vậy cho thấy trách nhiệm là các địa phương. Với quan điểm như vậy, chúng ta cũng đã có một đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường lưu sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy và trong đó có dòng sông mà đại biểu đã nêu. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, cơ chế quy hợp có thể nói là chưa hiệu quả, hiện nay chưa bố trí được nguồn lực, vấn đề công nghệ nào để xử lý đối với nước thải sinh hoạt trong điều kiện hiện nay chưa thu gom và xử lý tập trung.

Từ góc độ này, tôi đã có khuyến nghị việc xử lý nhà nước phải chịu trách nhiệm ở góc độ các chính quyền địa phương cần bố trí đánh giá các nguồn thải và lựa chọn các mô hình để xử lý. Mô hình hiện nay công nghệ không phải khó, thực tế thành phố Hà Nội đã có 2-3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này nếu chúng ta tính toán chi phí từ nhà nước, trong đó có sự tham gia của các đối tượng là từ người dân, từ làng nghề, những người sản xuất thì chúng ta hoàn toàn tính toán để thu hút xã hội hóa để xử lý.

Có mấy vướng mắc, hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vào nhưng thực tế việc lựa chọn đối tác công tư các quy trình, thủ tục đấu giá không khác với nguồn vốn nhà nước nên cũng cản trở, làm chậm đi việc thu hút nguồn lực xã hội hóa. Hai là phải làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong đầu tư hạ tầng. Ba là phải xác định được doanh nghiệp có công nghệ và năng lực để xử lý. Bốn là cần xem xét lại cơ chế để tính chi phí xử lý, trong đó có nhà nước, người dân và có lợi nhuận cho doanh nghiệp thì khi đó sẽ làm được. Tôi cho rằng đây là việc thời gian tới bên cạnh những mô hình chúng ta đang có là các ban chỉ đạo về bảo vệ môi trường lưu vực thì phải gắn với trách nhiệm cụ thể của địa phương và phải tiến hành xã hội hóa, trên cơ sở đó chúng ta mới có thể giải quyết được. Xin cảm ơn đại biểu.

[Ý kiến từ Chủ tịch Quốc hội - Bà Nguyễn Thị Kim Ngân]

Như vậy, trách nhiệm giải quyết ô nhiễm môi trường của sông Đáy, sông Nhuệ thì Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm giải quyết từ những nguồn lực trung ương và các giải pháp quản lý nhà nước của bộ, nhưng các địa phương trên 2 dòng sông này cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường và cơ chế phối hợp. Có nghĩa là nguồn lực của trung ương, của địa phương và xã hội hóa. Đề nghị Bộ trưởng qua câu hỏi của đại biểu Trần Tất Thế phải về rà soát lại trách nhiệm của bộ như thế nào và của các địa phương như thế nào? Bộ đã làm tròn trách nhiệm nhưng các địa phương chưa phối hợp tốt và chưa chung tay cùng Chính phủ để bảo vệ các dòng sông này. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Quốc Hội Việt Nam (phiên chất vấn ngày 30/10/2018)

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc