TP.HCM hướng tới mục tiêu “biến” rác thành điện

Thứ 7, 25/08/2018, 09:17 GMT+7

pr7a_mxcm

Chuyển hóa rác thải công nghiệp thành khí làm nguyên liệu chạy máy phát điện tại bãi rác Gò Cát, TP.HCM. Ảnh. Báo Sài Gòn Giải Phóng

Vì sao TP.HCM chọn đốt rác phát điện?

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM tại Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện do UBND TP.HCM tổ chức ngày 26/11/2017, thành phố có 3 loại rác gồm: Rác thải rắn sinh hoạt (8.700 tấn/ngày), rác thải công nghiệp – nguy hại (1.500-2.000 tấn/ngày) và rác thải y tế (22 tấn/ngày).

Đáng chú ý là công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Cụ thể đối với rác thải sinh hoạt, tỷ lệ chôn lấp chiếm 76%, chuyển hóa thành phân compost chiếm 14,7% và đem đốt chiếm 9,3%.

Chôn lấp được đánh giá là một công nghệ đơn giản, có vốn đầu tư lẫn chi phí vận hành rẻ. Nhưng giải pháp này đã dần không phù hợp do bộc lộ nhiều hạn chế như: lãng phí tài nguyên đất, mất nhiều chi phí quan trắc, duy tu, bù lún, xử lý nước rỉ rác, khí rác sau khi đóng bãi. Chưa kể đến, nếu tính toán không kỹ, công nghệ này rất dễ gây ô nhiễm do mùi hôi, nước rỉ rác, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nước mặt...

ubnd tphcm can khan truong xu ly rac khac phuc triet de cac ton tai o bai rac da phuoc

Bãi chôn lấp rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh. Báo điện tử Pháp luật & Xã hội

Công nghệ làm phân compost không chiếm nhiều diện tích đất như chôn lấp, tạo ra sản phẩm phân hữu cơ và một số nguyên liệu tái chế khác, tuy nhiên giá thành sản phẩm cao và chất lượng lại thấp do phân loại rác không triệt để nên rất khó tiêu thụ trên thị trường.

Trước tình hình đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp xuống còn 50%. Thực hiện điều này, một trong các giải pháp của thành phố là chuyển sang công nghệ đốt rác - phát điện.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghệ và Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 – 95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp.

Những hành động cụ thể...

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian qua thành phố đã có không ít những hành động cụ thể:

Phê duyệt Đề án thực nghiệm “Xây dựng nhà máy Điện – Rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu Xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và công ty TNHH Thủy Lực – Máy vào đầu năm 2017.

Tháng 11/2017, TP.HCM đã chính thức ban hành các ưu đãi đầu tư về chính sách trong lĩnh vực xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nổi bật là miễn giảm tiền thuê đất tới 70%, hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất.v.v... đã gây sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ngoài ra, thành phố còn mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kWh; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Đầu năm 2018, UBND TP đã ban hành Kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn thành phố năm 2018, và phấn đấu hoàn thành vào tháng 12/2018.

Với nhiều chính sách ưu đãi và hành động cụ thể của thành phố, công nghệ đốt rác phát điện có thể sẽ sớm được đưa vào thực tế trong thời gian không xa. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là hiện nay ý thức phân loại rác thải tại nguồn của người dân chưa cao, rác thải đem đốt cho hiệu suất thấp gây không ít khó khăn và e ngại cho nhà đầu tư.

Nguồn tham khảo:

 TPHCM kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt – phát điện (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Bí thư Thành ủy làm việc với Nhà máy điện rác Gò Cát (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

"Nở rộ" nhà máy xử lý rác bằng... "đốt phát điện" (Báo Lao Động)

---Môi Trường Á Châu---

Ý kiến bạn đọc