Giảm dần trạm trung chuyển rác thải ở nội đô

Thứ 3, 23/10/2018, 04:15 GMT+7

Theo nội dung định hướng quy hoạch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND TPHCM chấp thuận, TP sẽ giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của TP. 

thu-gom-rac_njcn

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đến năm 2035 còn 36 trạm

Đối với các trạm trung chuyển đang hoạt động tốt như thiết kế kín, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hệ thống khí thải, hệ thống phun xịt khử mùi… được tiếp tục hoạt động. Các trạm trung chuyển thuộc quy hoạch, đang đề xuất chủ trương đầu tư và đã có kế hoạch xây dựng của UBND quận huyện được tiếp tục triển khai. Theo đó, định hướng quy hoạch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP, tổng số trạm đến năm 2025 là 40 trạm và đến năm 2035 còn 36 trạm. 

Cụ thể, định hướng đến năm 2025, TPHCM sẽ dừng hoạt động 9 trạm hiện hữu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, gồm: Tư Sò (quận 7), Cabin điện (quận 8), Long Hòa (quận 9), Phước Long A (quận 9), Tân Thới Hiệp (quận 12), Hiệp Thành (quận 12), Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và Bình Khánh (huyện Cần Giờ); giữ lại 7 trạm hiện hữu đã đầu tư cải tạo nhà xưởng, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải, phun xịt khử mùi, gồm: Bình Trưng Tây (quận 2), Bà Lài (quận 6), Tân Hóa (quận 11), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và Tân An Hội (huyện Củ Chi); mở rộng, nâng cấp 11 trạm hiện hữu, gồm: Đào Trí (quận 7), Long Trường (quận 9), Tống Văn Trân (quận 11), Quang Trung (quận Gò Vấp), Linh Xuân (quận Thủ Đức), Lê Minh Xuân và Bình Chánh (huyện Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), Tôn Thất Thuyết (quận 4) và Sở Gà (quận Thủ Đức); đầu tư mới 22 trạm trung chuyển, gồm 5 trạm trung chuyển liên quận huyện trên địa bàn các quận: 2, 8, Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi và 17 trạm trung chuyển phục vụ nhu cầu quận huyện trên địa bàn các quận: 2, 5, 8, 9, 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè. 

Từ năm 2025 đến năm 2050, TPHCM tiếp tục giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô TP, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai. Cụ thể, ngưng hoạt động, chuyển đổi thành điểm tập kết hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 6 trạm trung chuyển, gồm: Bình Trưng Tây (quận 2), Bà Lài (quận 6), Tân Hóa (quận 11), Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và Tân An Hội (huyện Củ Chi); tiếp tục vận hành 34 trạm trung chuyển đã mở rộng, nâng cấp và đầu tư mới trong giai đoạn trước năm 2025; đồng thời đầu tư xây mới 2 trạm trung chuyển cấp TP tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu quy hoạch xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh). 

Ưu tiên xã hội hóa đầu tư 

Không chỉ giảm các trạm trung chuyển trong khu vực nội đô mà theo quy hoạch, các trạm trung chuyển đầu tư mới trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo diện tích, bao gồm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bố trí dây chuyền công nghệ, cây xanh cách ly; các công trình xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi, tiếng ồn, bụi… và các công trình phụ trợ khác.

Trạm trung chuyển phục vụ khu vực liên quận huyện phải đảm bảo diện tích đất tối ưu là 10.000m2. Trong trường hợp vị trí quy hoạch không đáp ứng diện tích tối ưu thì vị trí phải có diện tích tối thiểu 5.000m2. Đảm bảo công suất tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ nay đến năm 2025 và có khả năng phục vụ cho nhiều hoạt động khác như phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom phân loại lưu giữ chất thải từ hộ gia đình (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, có kích thước lớn, chất thải rắn xây dựng), chất thải y tế và các loại chất thải khác theo quy định.

Bên cạnh đó, các trạm trung chuyển này phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu về môi trường và kỹ thuật; đáp ứng quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về trạm trung chuyển. Sử dụng công nghệ khép kín; kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển. Khu vực trực tiếp tiếp nhận chất thải và xe đậu chờ phải được thiết kế, xây dựng kín hoàn toàn, đảm bảo không phát tán mùi hôi, tiếng ồn, côn trùng, bụi… ra môi trường xung quanh.

Tại các trạm trung chuyển phải được lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực xe ra, vào; phân loại lưu giữ, trung chuyển chất thảo, xử lý môi trường, rửa xe… Định hướng áp dụng quản lý môi trường thông minh để phục vụ công tác giám sát thông qua hệ thống thống kê, theo dõi, cập nhật trực tuyến khối lượng, thành phần chất thải ra, vào trạm; hệ thống đo đạc trực tuyến chất lượng  môi trường.

Liên quan đến phương án đầu tư, TPHCM yêu cầu các quận huyện lập dự án kêu gọi và ưu tiên lựa chọn đơn vị đầu tư trạm trung chuyển theo hình thức xã hội hóa. Phương thức thu hồi chi phí đầu tư sẽ được đơn vị đầu tư chủ động đề xuất theo các quy định hiện hành. Trong trường hợp không có nhà đầu tư tham gia theo hình thức xã hội hóa, UBND các quận huyện lập dự án đầu tư theo quy định hiện hành, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình UBND TP xem xét, chấp thuận cho đầu tư bằng vốn ngân sách. Chịu trách nhiệm trong việc đề xuất, xác định vị trí, công suất, diện tích, quy mô hoạt động của trạm trung chuyển trên địa bàn. Quá trình vận hành thực tế không được tiếp nhận chất thải vượt công suất thiết kế.

Theo Sở TN&MT TPHCM (Nguồn: SGGPO) 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc