Đưa pháp luật bảo vệ môi trường đi sâu vào các cấp hội nông dân và cuộc sống

Thứ 3, 22/12/2020, 03:59 GMT+7

small_bt-tran-hong-ha_phat_bieu_2112

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Hội Nông dân giữ vai trò quan trọng trong triển khai Luật Bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân đạt được trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các quy định tại nội dung liên quan của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc huy động hội viên và nông dân tham gia BVMT trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, BVMT nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành TN&MT, Hội Nông dân ở Trung ương và địa phương; Trung ương Hội Nông dân và các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật BVMT năm 2020 nói chung; các biện pháp BVMT nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân nói riêng tới các hội viên, tổ chức, hộ gia đình nông dân để nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT.

Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa các phong trào, mô hình tiên tiến để dẫn dắt người nông dân từng vùng miền tham gia đưa nền nông nghiệp gắn liền với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ trong nông nghiệp. Có cơ chế thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân tham gia, từ đó, tạo ra nguồn lực mạnh mẽ, phát triển bền vững để bảo vệ môi trường.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tổ chức vận động, huy động hội viên, nông dân để phát triển, nhân rộng các mô hình, hoạt động, cách làm hay về BVMT nông thôn, nông nghiệp, nhất là các hoạt động, mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới; kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; có các hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn.

Bộ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, Hội nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các nội dung để phát triển mục tiêu 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng. Đây là chương trình quan trọng mà Hội Nông dân với các hội viên là người thực hiện chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất, rừng để hai bên cùng thực hiện.

Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT để góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật BVMT năm 2020; tiếp tục có tổng hợp, tập hợp, đề xuất với Chính phủ để ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện công tác BVMT cho phù hợp với thực tế.

Xuất hiện nhiều mô hình điểm BVMT

Ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, từ 2015 - 2020, Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí Biogas bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ môi trường.

Thông qua các mô hình điểm đã góp phần tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các cấp Hội Nông dân, từ đó, có hành động cụ thể bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn tại tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, An Giang, Long An; mô hình “xử lý nước thải làng nghề” tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình “đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cung cấp nhiên liệu trong sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Trị;..

small_thao-xuan-sung-_phat_bieu

Ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Còn đó những điểm "nghẽn" tư duy

Tuy vậy, ông Thào Xuân Sùng cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể là ý thức bảo vệ môi trường chưa thành thói quen, nếp sống của hội viên nông dân; thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi.

Cùng với đó, ở nhiều nơi, vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm của một bộ phận hội viên, nông dân đối với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai;…

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cũng chỉ ra môi trường nông thôn hiện vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc và sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài. Xu thế dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Các dòng chất thải dịch chuyển từ đô thị về nông thôn để tái chế, xử lý. Nhu cầu hàng hóa gia tăng, nên khu vực nông thôn bị gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp.

Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng hàng năm khoảng 7,3 đến 8,6 triệu tấn/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000 - 150.000 tấn/năm, trong đó, có khoảng 10% là bao bì thải bỏ. Đồng thời, phụ phẩm nông nghiệp cũng gây áp lực không nhỏ đến môi trường nông thôn.

Nâng cao vai trò giám sát của nông dân

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về BVMT nông thôn đã được quy định rất cụ thể. Trong đó, chất lượng môi trường nói chung bao gồm chất lượng môi trường nông thôn được coi là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp (như quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu quay vòng tái sử dụng các sản phẩm phụ, vật chất thải bỏ, chất thải...); các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm (đặc biệt là các nguồn nước) được theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường.

small_nguyen-hung-thinh

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tham luận

Luật BVMT năm 2020 cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội Nông dân trong việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (Khoản 7 Điều 75); tham gia các hoạt động BVMT, tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT (Điều 157, Điều 158).

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Lãnh đạo Hội Nông dân một số tỉnh như: Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh và các chuyên gia cho rằng, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, BVMT, chống lại các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường việc, cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN&MT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Theo đó, việc tăng cường này phải bằng hành động cụ thể, trong đó, cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ xuống cơ sở (cấp tỉnh) đào tạo, trang bị kiến thức về môi trường và pháp luật cho Hội, hội viên. Có như vậy, mới nâng cao được vai trò giám sát của nông dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.

small_hoi-nd-hung-yen

Bà Trần Thị Tuyết Hương, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên phát biểu tham luận

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đưa ra các đề xuất giải pháp phát huy vai trò Hội Nông dân Việt Nam trong bảo vệ môi trường, trong đó, các cấp của Hội cần nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng tri thức bản địa vào BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

small_-tran-van-mieu

TS. Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tham luận

Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh phong trào “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường” và cuộc vận động “Nông dân trở thành người tiêu dùng xanh”. Thông qua phong trào và cuộc vận động để phát hiện những tập thể và cá nhân tiêu biểu tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

Hội Nông dân các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm soát xã hội, bằng các hoạt động phản biện, kiểm tra, giám sát và đấu tranh với những hành vi làm suy thoái và ô nhiễm môi trường...

MONRE

 
Ý kiến bạn đọc