Kinh tế Australia tăng trưởng thêm 50%, Anh tăng trưởng hơn 70% nhờ những giải pháp công nghệ mới chống biến đổi khí hậu.
Tin liên quan:
Người dân Thủ đô hào hứng với máy lọc nước uống từ không khí
Giới trẻ tăng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường
Đẩy mạnh tính liên ngành, liên vùng trong thích ứng với biến đổi khí hậu
Thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Australia những ngày cuối tháng 8/2018, đại sứ môi trường Patrick Suckling đã chia sẻ về những thách thức và cơ hội với vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Theo đại sứ, biến đổi khí hậu ảnh hưởng hầu hết các lĩnh vực và không có sự khác biệt giữa các nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Bằng chứng có thể thấy rõ là hình thái thời tiết đang thay đổi: mưa nhiều, lũ lụt, hạn hán dài hơn và mạnh hơn. Thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng, cường độ nghiêm trọng hơn. "Tôi hiểu rằng Việt Nam phải đương đầu với tất cả vấn đề đó: nông nghiệp, sức khỏe, bệnh tật, đô thị, năng lượng...", ông Patrick nói.
So sánh các nguy cơ khi nhiệt độ trái đất tăng.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trái đất nóng lên là do con người và những tác động tiêu cực ngày càng lớn. Nếu nhiệt độ tăng dưới 2 độ C thì trái đất vẫn ổn, nhưng tăng trên 2 độ C thì con người sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề. Khi đó mực nước biển sẽ dâng nhiều hơn 2 cm, toàn bộ rạn san hô hiện tại sẽ đứng bên bờ tuyệt chủng.
Kiếm tiền từ thách thức
Biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược. Các nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã mất 2-6% GDP hàng năm bởi thiên tai. Trong khi nếu biết cách thay đổi, có rất nhiều cơ hội về kinh tế, hàng nghìn tỷ USD và rất nhiều việc làm được tạo ra. Nhiều công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo cũng có thể được hình thành để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những hành động có thể làm ngay là hạn chế chặt phá rừng, giảm sử dụng nhựa, túi nilon. Australia đang tìm kiếm các giải pháp dần bỏ túi nilon dùng một lần, tái chế nhựa, sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường.
Các quốc gia cũng có thể hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, thay đổi hệ thống năng lượng, xây dựng đô thị, canh tác nông nghiệp, rà soát lại các chính sách y tế... để thích ứng với biến đổi khí hậu. Những hành động này cần có rất nhiều đầu tư mới, nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn... "Tất cả những điều đó nghĩa là có thêm tăng trưởng và việc làm", ông Patrick nói.
Thực tế Australia đã có những hành động chống lại biến đổi khí hậu từ rất nhiều năm và nhờ đó giúp tăng trưởng kinh tế thêm 50%.
Cụ thể, nhờ việc giảm tiêu dùng than đá để giảm 60% khí thải ở Australia (một tấn khoảng 23-25 dollar Australia) quốc gia này cũng kiếm bộn tiền. Nguồn thu ngân sách từ việc bán giấy phép carbon được đầu tư vào năng lượng sạch và công nghệ ít carbon.
Australia cũng ban hành mục tiêu tái tạo năng lượng quy mô lớn (LRET) nhằm tạo ra 41.000 GWh từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2020. Chính sách này giúp Australia huy động được 18 tỷ dollar Australia đầu tư năng lượng tái tạo từ năm 2001 tới nay.
Còn nước Anh nhờ giảm phát thải khí nhà kính 42%, kinh tế của họ tăng trưởng 74%.
"Như vậy các bạn có thể đạt được cả hai điều. Thực tế cái giá phải trả của việc không hành động gì sẽ rất lớn vì khi đó ảnh hưởng tiêu cực sẽ tồi tệ hơn", ông Patrick Suckling nói.
Từ sau Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP23), Chính phủ Australia đã đẩy mạnh các chương trình thu hút đầu tư theo hướng phát triển bền vững và tăng cường hợp tác quốc tế trong đó cam kết hỗ trợ tài chính lên tới một tỷ dollar Australia cho các quốc gia đang phát triển đến cuối năm 2020. Chính phủ này đang tìm kiếm các phương án, ý tưởng mới để hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trước đó thông qua Chương trình tài trợ ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (2012-2015), Chính phủ Australia đã tài trợ cho Việt Nam 15 triệu dollar Australia thông qua 6 dự án. Đã có hơn 200.000 người dân tại 13 tỉnh tại Việt Nam được hỗ trợ để biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và điều kiện sống. |