Sau nước, xi măng là tài nguyên được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, sản xuất xi măng đòi hỏi khai thác nguồn tài nguyên không thể tái tạo như đá vôi và đất sét cũng như tiêu thụ năng lượng từ nhiều nguồn khác như than đá, dầu, điện. Hiểu được điều đó, Công ty Xi măng Holcim Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình nhằm bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững của Holcim Việt Nam, cho biết, hoạt động của chúng tôi có thể tạo ra nhiều hệ quả ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, thay đổi cảnh quan, phát thải khói, nước và rác thải. Vì vậy, Xi măng Holcim Việt Nam đưa cam kết bảo vệ môi trường vào chiến lược kinh doanh của mình để luôn nỗ lực thấu hiểu những thách thức và cơ hội của ngành sản xuất xi măng khi thực hiện các hoạt động môi trường hướng tới phát triển bền vững.
Bãi khai thác nguyên liệu được trang bị những thiết bị hiện đại, giảm thiểu tối đa tiếng ồn và khói bụi.
Năm 2009, sáng kiến "Chung tay vì môi trường" được Holcim Việt Nam chính thức khởi động nhằm cụ thể hóa và liên kết các hoạt động lại bài bản và toàn diện hơn. Sáng kiến này một lần nữa chứng tỏ cam kết hướng tới môi trường, nằm trong định hướng phát triển bền vững của Holcim Việt Nam. “Chung tay vì môi trường” là chuỗi những chương trình nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân viên cũng như cộng đồng. Chương trình bao gồm ba lĩnh vực chính là sản xuất xanh, tuân thủ quy định và đo lường phát thải về môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường.
Holcim Việt Nam là một trong những đơn vị áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và vật liệu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, đồng thời giảm phát thải CO2 và bụi từ lò nung xi măng. Những đầu tư công nghệ gần đây có thể kể đến như trạm phát điện tận dụng năng lượng nhiệt thải (2012) với tổng vốn đầu tư 18 triệu USD, nhà máy ứng dụng công nghệ “xanh” - chuyển hóa nhiệt thải từ quá trình sản xuất thành điện năng sử dụng cho nhà máy Hòn Chông, trạm có khả năng đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ nhà máy.
Toàn cảnh Trạm nghiền Xi măng Holcim Hiệp Phước.
Hệ thống lọc bụi tay áo được đầu tư từ năm 2013 tại nhà máy Hòn Chông. Lượng bụi phát thải tại nhà máy đã giảm mạnh còn khoảng 20 mg/Nm3, thấp hơn nhiều so với mức 40 - 50 mg/Nm3 do hệ thống lọc bụi tĩnh điện trước đây đạt được và càng thấp hơn mức 100 mg/Nm3 theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tháng 10/2014, Geocycle Việt Nam - đơn vị kinh doanh dịch vụ quản lý chất thải sử dụng công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng của Holcim Việt Nam đã đầu tư 12 triệu USD nâng cấp máy móc thiết bị và cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng đa dạng của các doanh nghiệp.
Được biết, Holcim Việt Nam đã được cấp chứng chỉ ISO 9001 (tiêu chuẩn quản lý chất lượng) và ISO 14001 (chất lượng môi trường). Ngoài ra, trong năm 2010, đơn vị quản lý chất thải Geocycle của Holcim Việt Nam đã được cấp chứng nhận ACert, một chứng nhận quản lý chất lượng, an toàn và môi trường mới do Holcim đề xuất được kiểm định bởi một bên thứ ba độc lập. Việc áp dụng ACert một lần nữa đã chứng minh đẳng cấp của doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế, luôn tiên phong trong việc tự đặt ra và tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất. Ngoài ra, hàng quý, Holcim đều mời bên thứ 3 đo môi trường nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Holcim Việt Nam thực hiện nâng cao nhận thức về môi trường và đa dạng sinh học cho các bên hữu quan, bao gồm: nhân viên Holcim, chính quyền địa phương và cộng đồng xung quanh nhà máy của Holcim tại Việt Nam, nhằm xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường trong những cộng đồng này. Cam kết mạnh mẽ về bảo tồn đa dạng sinh học của Holcim Việt Nam được thể hiện rõ qua thỏa thuận hợp tác 5 năm giữa HVL với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), UBND tỉnh Kiên Giang và Liên hiệp Hội Hữu nghị tỉnh Kiên Giang.
“Không rác thải” là chương trình điển hình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức này cho cả nhân viên công ty và cộng đồng. Trong khuôn khổ dự án, toàn bộ nhân viên Holcim tại các nhà máy phải thực hiện phân loại rác đúng: rác đồng xử lý, rác tái chế và rác hữu cơ. Ngoài ra, Holcim cũng kết hợp với 5 trường tiểu học trên địa bàn hoạt động của các nhà máy hướng dẫn học sinh phân loại rác tại trường.
Ngoài những hoạt động trên, Holcim Việt Nam cũng tổ chức những hoạt động vì môi trường khác như: Chương trình Giờ trái đất, Ngày Môi trường thế giới… nhằm xây dựng nơi làm việc sạch và xanh hơn.
Chia sẻ với chúng tôi khi tham quan nhà máy, ông Bảo cho biết, để đạt được hiệu quả môi trường cao nhất, Holcim Việt Nam luôn chú trọng đầu tư vào công nghệ, các tiêu chuẩn, hệ thống tuân thủ về môi trường, nhưng hơn hết, chúng tôi nhận thấy con người chính là nhân tố quan trọng nhất. Do đó, ở Holcim Việt Nam, chúng tôi cũng chú trọng và đầu tư vào việc đào tạo, phát triển con người, đặc biệt là nhân viên của Công ty. Hiện nay, Holcim đang tập trung xây dựng và phát triển văn hóa sử dụng năng lượng hiệu quả cho toàn nhân viên Công ty Xi măng Holcim Việt Nam, hướng đến bảo vệ môi trường với nhiều chương trình hành động cụ thể cũng như truyền thông rộng rãi.
Những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường của Holcim Việt Nam đã được công nhận với việc được trao tặng nhiều giải thưởng, chứng nhận, công nhận của các cơ quan Nhà nước, địa phương và tổ chức vì môi trường trong nước cũng như nước ngoài. Gần đây nhất, Holcim Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Môi trường TP. Hồ Chí Minh năm 2014, giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực môi trường của UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tôn vinh những đóng góp của các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường; giáo dục - đào tạo và truyền thông bảo vệ môi trường.
Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam là một trong những nhà cung cấp xi măng, các sản phẩm kết dính, bê tông trộn sẵn và các dịch vụ xây dựng hàng đầu thế giới. Holcim hoạt động trên 70 quốc gia. Holcim Việt Nam hiện có hơn 1.300 nhân viên đang làm việc tại 4 nhà máy xi măng, văn phòng TP. Hồ Chí Minh và nhiều trạm trộn bê tông hiện đại.
Nguồn: ximang.vn